Ngày 18-7, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã làm việc với các ngân hàng bên bán, các hãng tàu và hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL để nắm chắc thông tin và trách nhiệm các bên liên quan xung quanh vụ việc 3 công ty Việt Nam có nguy cơ mất tiền khi xuất khẩu cho 1 đối tác ở Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Được biết, 3 công ty Việt Nam xuất khẩu 3 lô hàng khác nhau là: hạt điều, hồ tiêu và quế với tổng trị giá khoảng 300.000 USD.
Trao đổi về việc liệu doanh nghiệp Việt Nam có mắc sai lầm nào trong giao dịch quốc tế, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo?
Đại diện một thành viên hiệp hội ngành hàng cho hay vấn đề của vụ việc nằm ở phương thức thanh toán. Các doanh nghiệp đã dùng phương thức thanh toán D/P (trả tiền để được nhận chứng từ), đang được áp dụng hầu hết tại UAE, ít dùng phương thức L/C (tín dụng chứng từ) dù hình thức này an toàn hơn.
3 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, hồ tiêu và quế Việt Nam có nguy cơ mất tiền khi xuất khẩu cho 1 đối tác tại Dubai
Tuy nhiên, thanh toán D/P vẫn an toàn nếu như ngân hàng bên mua thực hiện đúng quy định quốc tế. Đó là, chỉ khi người mua nộp tiền cho ngân hàng nhờ thu hộ để trả cho người bán, ngân hàng mới giao bộ chứng từ để người mua đi nhận hàng.
Ở trường hợp này, bộ chứng từ của lô hàng đã giao cho ngân hàng nhưng người bán không nhận được tiền mà hàng đã bị lấy. Lỗi thuộc về ngân hàng bên mua.
Dù vậy, cũng có những tình huống khác có thể xảy ra. "Ví dụ, hãng DHL giao nhầm bộ chứng từ cho người không phải của ngân hàng thì lỗi thuộc về DHL. Thậm chí, nếu chủ đích lừa đào có thể có dàn cảnh để giả người của ngân hàng để lấy bộ chứng từ chẳng hạn" – đại diện hiệp hội phân tích.
Hiện tại, các hiệp hội đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE để báo cáo vụ việc để nhờ hỗ trợ.
Trước đó, VPA và Vinacas đã thông tin cảnh báo về vụ việc nghi lừa đảo của một doanh nghiệp Dubai có tên Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC.
Công ty này đã mua hạt điều, hồ tiêu và quế của 3 doanh nghiệp Việt Nam nhưng không trả đủ tiền đã nhận hàng.
Trong đó, trường hợp công ty hạt điều có tên T.M chỉ mới nhận 15% tiền đặt cọc nhưng hàng đã bị lấy đi.