Các sở, ngành TP HCM sẽ phối hợp sàn thương mại điện tử để xây dựng chương trình quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm) như bưởi, xoài cát, yến sào, khô hải sản... Từ đó tạo ra các mô hình thành công để nhân rộng triển khai.
Xây dựng thương hiệu tổ yến Cần Giờ
Đầu tuần này, Sở Công Thương TP HCM vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, UBND huyện Cần Giờ và Công ty TNHH Tiki (sàn thương mại điện tử Tiki) để thực hiện đề án xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giờ. Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, đề án sẽ thí điểm xây dựng thương hiệu tổ yến Cần Giờ.
Giải thích lý do chọn mặt hàng yến chứ không phải những đặc sản quen thuộc như xoài cát Hòa Lộc, khô cá dứa…, ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm - tiêu dùng Tiki, cho biết tổ yến Cần Giờ có một số nền tảng để xây dựng thành thương hiệu tốt nhất thế giới.
Theo ông Nhi, quy mô thị trường tổ yến thế giới hơn 8 tỉ USD, quy mô thị trường Việt Nam là 800 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Hiện nay, tổ yến của Việt Nam được các thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới là Hồng Kông, Trung Quốc… đánh giá có phẩm chất tốt nhất và định giá cao hơn sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác. Trong đó, yến sào Cần Giờ dù chưa được xây dựng thương hiệu nhưng được đánh giá có chất lượng vượt trội. Đã có nhiều nhà sản xuất yến sào lớn đăng ký mã vùng sản xuất tại Cần Giờ.
Theo thống kê của UBND huyện Cần Giờ, toàn huyện có 519 nhà nuôi chim yến, trong đó 459 nhà đã cho thu hoạch; sản lượng ước đạt 14,96 tấn, trị giá khoảng 250 tỉ đồng/năm. Thời gian qua, tổ yến Cần Giờ chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Qua đánh giá bước đầu của các sở, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp, sản phẩm yến sào Cần Giờ có tiềm năng lớn nhất, phù hợp để thí điểm xây dựng thương hiệu đặc sản của thành phố.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, việc xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng… là rất cần thiết và tương đối thuận lợi trong điều kiện hiện nay, là cơ sở bền vững để xây dựng, phát triển yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu lớn của TP HCM và Việt Nam, tương tự nhân sâm Hàn Quốc, mật ong Manuka New Zealand.
Cũng nhìn nhận TP HCM đang đứng trước cơ hội lớn về khuếch trương, phát triển một sản phẩm đặc trưng cao cấp, có giá trị kinh tế lớn là tổ yến, một số chuyên gia kinh tế lưu ý sản lượng yến Cần Giờ còn rất hạn chế, vì vậy rất cần quy hoạch vùng nuôi chim yến bài bản. Để định vị thương hiệu và xúc tiến đầu ra cho sản phẩm, cần chứng minh cho người tiêu dùng thấy sự khác biệt của yến Cần Giờ so với các địa phương khác; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…
Xoài cát Cần Giờ là một trong những sản phẩm đặc trưng được TP HCM đẩy mạnh quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ. Ảnh: AN NA
Làm thương hiệu cho 1.000 sản phẩm OCOP
Kể câu chuyện các sản phẩm chế biến từ rau má của một doanh nghiệp ở huyện Củ Chi nhờ đạt chứng nhận OCOP và xúc tiến thương mại tốt đã xuất khẩu sang 19 thị trường, trong khi mắm tôm chua cũng của huyện này không vượt ra khỏi phạm vi chợ truyền thống, ông Phạm Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, nhấn mạnh đặc sản nông nghiệp nếu không được chứng nhận về chất lượng, không có thương hiệu thì không thể đi xa hay xuất khẩu được.
Theo ông Phú, TP HCM hiện có 66 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên và thành phố đang tìm nhiều giải pháp để tăng lượng và chất cho các sản phẩm này. Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm hơn 100 sản phẩm của TP HCM được chứng nhận OCOP, nâng tổng sản phẩm được chứng nhận lên 170. Với đặc thù là thị trường tiêu thụ lớn, TP HCM đã ký kết với 38 tỉnh, thành để nâng cao các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành. Qua đó, giúp nông dân các tỉnh, thành và người dân thành phố có thông tin lựa chọn sản phẩm tốt hơn phục vụ tiêu dùng.
Nói về chương trình "1.000 câu chuyện OCOP" TP HCM sắp triển khai, đại diện Sở Công Thương TP HCM cho hay lần này ngành công thương và NN-PTNT thành phố sẽ bắt tay xúc tiến quảng bá, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chương trình sẽ giúp các sản phẩm OCOP của TP HCM nói riêng và các tỉnh, thành có liên kết với TP HCM phát triển mạnh hơn nữa.
"Thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng được các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao nhưng việc đưa sản phẩm vào thị trường gặp nhiều khó khăn. Các sàn thương mại điện tử cũng chưa phát huy hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Với "1.000 câu chuyện OCOP", các bên sẽ cùng hợp tác chia sẻ thông tin về danh mục các sản phẩm OCOP, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của địa phương mình" - ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, Tiki sẽ tập trung xây dựng các chương trình quảng bá, tiếp thị cho những sản phẩm OCOP. Việc quảng bá sẽ thực hiện bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng của từng sản phẩm văn hóa tại mỗi địa phương, qua đó giúp đưa các sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng hơn, cải thiện doanh số bán hàng trên sàn thương mại điện tử nói riêng và trên thị trường nói chung.
"Trước mắt, chương trình sẽ ưu tiên những sản phẩm OCOP 4 - 5 sao của TP HCM và các tỉnh, thành; tạo gian hàng OCOP tỉnh, thành trên Tiki. Mỗi tỉnh, thành khoảng 50 - 100 sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sắc" - ông Nguyễn Quách Nhi thông tin.
Tại cuộc họp của UBND TP HCM với các sở, ngành, doanh nghiệp về đề án xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giờ mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị.
Theo đó, từ nay đến cuối năm phải hoàn thiện đề án. Đặc biệt, xúc tiến nhanh đề án xây dựng thương hiệu yến Cần Giờ gắn với quy hoạch, quản lý vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của mặt hàng này.