EVN: Giá thành đưa điện đến vùng sâu tới 7.000 đồng/kWh

Thứ tư, 27 Tháng 9 2023 15:41 (GMT+7)
Theo đại diện EVN, tập đoàn này vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính năm 2023
 
Giá thành đưa điện đến vùng sâu, vùng xa có thể lên đến khoảng 7.000 đồng/kWh nhưng giá điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở khu vực nào cũng được duy trì mức khoảng 1.900 đồng/kWh.
 
Lãnh đạo EVN: Giá thành đưa điện đến vùng sâu lên tới 7.000 đồng/kWh - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Xuân Nam phát biểu tại toạ đàm
 
Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết tại toạ đàm Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với chủ đề "Nhìn lại và Hướng tới" do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức ngày 26-9.
 
Tại toạ đàm này, đại diện các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban) đến nay.
 
Là một trong những "ông lớn" Nhà nước thuộc Ủy ban, với trách nhiệm là tập đoàn kinh tế Nhà nước, EVN được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Trong đó, theo Phó Tổng giám đốc EVN, nhiệm vụ lớn nhất của EVN là đảm bảo cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, bao gồm cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội khi duy trì mức giá bán lẻ điện ổn định theo chỉ đạo của Chính phủ.
 
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết để EVN đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì giá thành sản xuất điện lên đến khoảng 7.000 đồng/kWh nhưng hiện giá điện EVN bán cho khu vực này cũng vẫn duy trì mức khoảng 1.900 đồng/kWh theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước.
 
Với nhiệm vụ được giao, theo ông Nam, trong hoạt động của EVN không đơn thuần là hoạt động lãi/lỗ mà còn là thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc EVN giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất điện ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo … cũng là thực hiện nhiệm vụ chính trị với chính sách mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau".
 
Lãnh đạo EVN nhấn mạnh năm 2022, do ảnh hưởng của những bất ổn trên thế giới nên giá các mặt hàng than, khí, dầu,... tăng đột biến. "Có thời điểm giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn, giá dầu cũng tăng gấp đôi trong khi giá mua điện chiếm đến 84% trong cơ cấu giá điện"- ông Nam nói.
 
Do đó, giá than, khí tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất điện, gây khó khăn cho EVN trong cân bằng tài chính. Bước sang năm 2023, tuy giá các mặt hàng than, khí, dầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. 
 
Từ ngày 4-5, sau 4 năm, giá bán lẻ điện cũng đã được điều chỉnh tăng 3% nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.
 
Cũng trong khuôn khổ toạ đàm, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ tổng hợp (thuộc Ủy ban), cho biết cho biết đến năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1 triệu 154 ngàn tỉ đồng; tổng tài sản hợp nhất đạt 2 triệu 491 ngàn tỉ đồng, chiếm tỉ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các DNNN trong cả nước.
 
Theo ông Sơn, so với năm 2018, theo báo cáo tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1.055.618 tỉ đồng lên 1.154.600 tỉ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2.359.693 tỉ đồng lên 2.490.832 tỉ đồng.
 
So với GDP 2022, doanh thu từ các tập đoàn, tổng công ty này tương đương 20% (tức gần 82 tỉ USD). Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản (TKV) là những đơn vị ghi nhận doanh thu kỷ lục từ khi thành lập. 
 
Dù vậy, Ủy ban cũng đánh giá các DNNN lớn vẫn chưa phát huy hết nguồn lực, chưa phân bổ vốn vào các ngành, lĩnh vực có tính tạo động lực. Bên cạnh đó, chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ cao có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
 
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế