Vì lợi nhuận bất chính, tội phạm mua bán người không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Gần đây, thủ đoạn mới mà các băng nhóm, đường dây mua bán người áp dụng rất hiệu quả là lợi dụng mạng xã hội. Chúng sử dụng nick, hình ảnh đại diện giả tiếp cận nạn nhân qua Facebook, Zalo..., hứa hẹn môi giới lấy chồng nước ngoài, việc nhẹ lương cao, khiến nhiều nạn nhân dính bẫy và rơi vào thảm cảnh.
Mỗi năm phát hiện 400 vụ
Mới đây, Công an tỉnh Tây Ninh tạm giữ Lâm Thị Thảo (27 tuổi) vì hành vi lừa gạt nhiều cô gái sang Malaysia hành nghề mại dâm. Tại cơ quan điều tra, Thảo khai: Tính đến thời điểm bị bắt, Thảo đã lừa trót lọt 16 nạn nhân trú ở tỉnh Tây Ninh và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ xuất ngoại làm tiếp viên nhà hàng kiêm... bán dâm với mức "lương" 10 triệu đồng/tháng. Từ năm 2007 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh giải cứu hơn 300 nạn nhân (tuổi trung bình 18-30); khởi tố khoảng 500 vụ án mua bán người với 250 bị can.
Lâm Thị Thảo cầm đầu đường dây mua bán 16 phụ nữ ở nhiều tỉnh, thành sang Malaysia
Một vụ án nghiêm trọng không kém xảy ra ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cuối năm 2018: Phạm Thị Hồng Thanh (44 tuổi) có con gái là La Thị Được (28 tuổi) lấy chồng người Trung Quốc rồi sinh sống tại tỉnh Phúc Kiến. Từ năm 2015, mẹ con Thanh dụ dỗ 4 cô gái xuất ngoại rồi ép họ lấy chồng người Trung Quốc. Hai mẹ con thu lợi hàng trăm triệu đồng trong mỗi phi vụ. Đến tháng 8-2018, công an mới phát hiện, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thị Hồng Thanh để điều tra về hành vi mua bán người.
Theo Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 400 vụ mua bán người. Theo thống kê cụ thể từ năm 2010 đến hết quý III/2018, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ án mua bán người với hơn 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7.000 nạn nhân. 90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.
Luật có nhưng... bó tay!
Hậu quả nguy hại từ những vụ mua bán người là thực tế đáng lo ngại nhưng điều đáng nói là cơ quan chức năng chưa thể chặt đứt "những cánh tay nối dài" trong nhiều đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Tại hội thảo "Rà soát, đánh giá chính sách pháp luật và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vừa qua, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an nhận xét điều 150 và điều 151 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định lần lượt về tội "Mua bán người" và "Mua bán người dưới 16 tuổi". Dù vậy, văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa có. Chưa kể, nhiều địa phương bối rối khi giải quyết những vụ án dù đã rõ chứng cứ, đối tượng phạm tội nhưng chưa giải cứu được nạn nhân. Để tránh bỏ lọt tội phạm, đại diện Cục Hình sự đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra văn bản hướng dẫn cụ thể tình huống trên. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực có liên quan đến phòng chống mua bán người như: kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động... cũng cần rà soát, bổ sung nhiều hơn nữa cho phù hợp với diễn biến thực tế.
Một số nạn nhân trở về sau khi sập bẫy đường dây buôn bán người
Theo thạc sĩ luật Vũ Ngọc Dương, Việt Nam cũng đã hình sự hóa đầy đủ các hành vi liên quan đến tội phạm buôn người như Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người (ACTIP) như: hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có; tham nhũng; cản trở hoạt động tư pháp... Tuy nhiên, một số nội dung trong Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, chưa đáp ứng yêu cầu ACTIP và tình hình thực tế hiện nay. Đơn cử, ACTIP yêu cầu tất cả quốc gia thành viên "áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác khi thích hợp để những người có hành vi phạm tội phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn so với trường hợp phạm tội thông thường nếu có một trong các tình tiết tăng nặng, song điều 150 và 151 Bộ Luật Hình sự 2015 đều chưa áp dụng khung hình phạt tăng nặng đối với các tình tiết được yêu cầu tại ACTIP. Tình tiết khi tội phạm là công chức hay làm nạn nhân nhiễm các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả HIV/AIDS cũng chưa được đề cập là tình tiết tăng nặng.
"Vì thế, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vấn đề nêu trên sao cho tương thích với ACTIP và tình hình thực tế đáng lo ngại hiện nay" - thạc sĩ Vũ Ngọc Dương nhấn mạnh.
Các nhóm tội phạm ACTIP yêu cầu xử lý nghiêm
Tội phạm gây tổn thương nghiêm trọng hoặc cái chết cho nạn nhân hay người khác, bao gồm trường hợp người đó chết do tự sát.
Tội phạm liên quan đến nạn nhân là người đặc biệt dễ bị tổn thương như trẻ em hoặc người không có đủ khả năng tự chăm sóc hoặc bảo vệ bản thân vì khuyết tật hoặc điều kiện về thể chất hoặc tâm thần.
Tội phạm làm cho nạn nhân nhiễm các bệnh nguy hiểm đến tính mạng, kể cả bệnh HIV/AIDS.
Phạm tội với nhiều nạn nhân.
Tội phạm được thực hiện là một phần hoạt động của nhóm tội phạm có tổ chức.
Người phạm tội đã từng bị kết án về cùng tội danh hoặc tội phạm tương tự.
Người phạm tội là công chức lạm dụng chức vụ hoặc quyền hạn để phạm tội.