Có hiệu lực nhưng... chưa hiệu quả

Thứ năm, 28 Tháng 2 2019 09:34 (GMT+7)
Ở nhiều đại án kinh tế, phần thu hồi tài sản bảo đảm trách nhiệm dân sự luôn là trở ngại đối với cơ quan tố tụng và tổ chức có quyền, nghĩa vụ liên quan

Trong vụ án Phạm Công Danh (SN 1965; nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) và đồng phạm, HĐXX phúc thẩm tuyên bố bác nội dung VNCB kháng cáo và VKSND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị liên quan đến việc thu hồi 4.500 tỉ đồng từ VNCB. Trước đó, các bên tham gia tố tụng đưa ra nhiều tranh cãi xung quanh số tiền này.

Tiền nào là vật chứng?

Theo VKSND Cấp cao tại TP HCM, Phạm Công Danh chuyển 4.500 tỉ đồng về VNCB dưới danh nghĩa tổ chức, cá nhân góp vốn mua cổ phần (CP) tăng thêm. Từ đó, VNCB thuận lợi tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ lên 7.500 tỉ đồng. Nguồn gốc tiền là bất hợp pháp. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép hạch toán tăng vốn điều lệ, chưa hạch toán đó là các khoản nợ phải trả. Sau đó, khoản tiền đã hòa chung vào những nguồn tiền khác tại VNCB. Bị cáo Phạm Công Danh đã sử dụng hết số tiền trên. Do đó, cơ quan xét xử không có cơ sở buộc VNCB hoàn trả Phạm Công Danh 4.500 tỉ đồng một lần nữa.

Trong khi đó, bản án sơ thẩm nhận định bị cáo lấy tiền từ VNCB gửi vào 3 ngân hàng khác với nhiều hợp đồng tiền gửi. Sau đó, bị cáo dùng những hợp đồng tiền gửi này làm tài sản cầm cố, bảo lãnh, giúp 29 công ty "ma" vay tiền. Vì 29 công ty không có khả năng trả nợ nên 3 ngân hàng thu hồi nợ bằng cách siết tài sản cầm cố - tiền VNCB gửi tại 3 ngân hàng. Giám định Ngân hàng Nhà nước khẳng định 3 ngân hàng thu hồi nợ bảo đảm quy định. Như vậy, vật chứng vụ án là số tiền 29 công ty vay từ 3 ngân hàng rồi chuyển cho Phạm Công Danh chứ không phải là tiền VNCB gửi ngân hàng. Theo đó, số tiền vật chứng cần thu hồi là số tiền mà bị cáo Phạm Công Danh sử dụng sau khi vay được 3 ngân hàng thông qua 29 công ty. Tiền 3 ngân hàng thu hồi nợ không phải là vật chứng vụ án.

Căn cứ hồ sơ, diễn biến tại tòa, HĐXX phúc thẩm kết luận không có tài liệu, chứng cứ xác định Phạm Công Danh sử dụng 4.500 tỉ đồng vào mục đích cá nhân. Số tiền này đã được sử dụng cho VNCB. Bởi vậy, VNCB có trách nhiệm hoàn trả Phạm Công Danh 4.500 tỉ đồng khắc phục hậu quả như nội dung bản án sơ thẩm tuyên.

Có hiệu lực nhưng... chưa hiệu quả - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Phương Bình (phải) từng sở hữu số cổ phần “khủng” nhưng khó định giá ở DAB

Bỏ ngỏ định giá

Bản án sơ thẩm đại án thất thoát 3.600 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB thống kê rất nhiều CP DAB vào phần khắc phục thiệt hại. HĐXX sơ thẩm xét thấy cần dùng toàn bộ số CP DAB đứng tên Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT DAB) và người thân, cùng nhiều bị cáo khác nhằm bảo đảm thi hành án. Đáng nói, số CP "khủng" nói trên hiện chưa có định giá rõ ràng dù nằm trong phần tài sản khắc phục thiệt hại. Năm 2017, Hội đồng Định giá trong tố tụng hình sự TP HCM từ chối định giá với lý do CP DAB chưa đăng ký trên sàn giao dịch chứng khoán. Đến năm 2018, Bộ Công an thuê Công ty CP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam và Công ty CP Thẩm định giá Asian tiến hành thẩm định giá trị CP DAB. Đáng tiếc, sau khi nghiên cứu tài liệu, 2 cơ quan định giá phát hiện báo cáo tài chính của DAB từ năm 2015-2017 chưa được kiểm toán. Do đó, cơ quan định giá không có cơ sở định giá CP DAB.

Trước đó, cơ quan điều tra kê biên hơn 125,3 triệu CP DAB. Trong đó, Công ty Bắc Nam 79 đứng tên 50 triệu CP; Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") sở hữu hơn 13,6 triệu CP; Trần Phương Bình có khoảng 15 triệu CP...

Vật chứng... không còn

Tương tự, vụ án đại gia Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) và đồng phạm để lại câu hỏi lớn trong phần trách nhiệm dân sự.

Trong vụ án này, tòa án buộc Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam hoàn trả VNCB 200 tỉ đồng. Trái lại, Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam không đồng tình trước phán quyết trên.

Cơ quan xét xử cáo buộc bị cáo Ngô Kim Huệ (đồng phạm với Hứa Thị Phấn) có hành vi sử dụng trái phép tiền ngân hàng thông qua hạch toán thu chi khống. Với hình thức chuyển khoản, Huệ chuyển đến Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam 200 tỉ đồng. HĐXX nhận thấy 200 tỉ đồng chính là tài sản do Huệ phạm tội mà có. Do đó, cơ quan xét xử thu hồi từ Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam, trả về ngân hàng.

Trong vụ án, doanh nghiệp là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan vì hợp tác đầu tư với bị cáo Ngô Kim Huệ. 200 tỉ đồng là số tiền Huệ chi trả theo đúng thỏa thuận trước đó. Tổng công ty hoàn toàn không biết nguồn gốc số tiền trên. Cho rằng quyết định thu hồi tiền chưa thuyết phục, Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam đã làm đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam cho biết số tiền này không còn từ lâu, đồng nghĩa với việc vật chứng không còn nữa. Như vậy, việc thu hồi 200 tỉ đồng được xác định là vật chứng vụ án sẽ thực hiện như thế nào? 

Nguồn: Di Lâm - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật