Quy định về việc công khai chứng cứ: Được chăng hay chớ

Thứ năm, 07 Tháng 3 2019 09:06 (GMT+7)
Thực tiễn thi hành Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 cho thấy việc tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ chưa có sự thống nhất, ngay cả trong cùng một tòa án

Mới đây, TAND TP HCM đã mở phiên họp giải quyết việc kháng cáo và tuyên hủy quyết định đình chỉ một vụ án dân sự ở TAND quận 1. Một trong những lý do TAND TP hủy quyết định của TAND quận 1 có liên quan đến thủ tục kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Quy trình chưa chặt

Trước đó, TAND quận 1 ra quyết định mở phiên xét xử nhưng lại thông báo hoãn. HĐXX không thông báo thời gian, địa điểm mở lại phiên xử và không thể hiện việc tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ theo điều 259 Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015. Sau đó, thẩm phán vẫn mở lại phiên họp kiểm tra công khai chứng cứ và hòa giải, trong khi đây là các bước trong chuẩn bị xét xử. Tức là, tòa án cần thông báo về việc mở lại phiên tòa sau đó mới tổ chức họp kiểm tra, công khai chứng cứ và hòa giải. Do đó, TAND TP nhận định quyết định đình chỉ vụ án có vi phạm thủ tục tố tụng. Chưa kể, TAND quận 1 mở phiên họp kiểm tra này 3 lần theo quy định. Theo biên bản họp của những phiên họp, các đương sự xác nhận cung cấp thêm chứng cứ mới, thế nhưng TAND quận 1 lại ra thông báo rằng 2 trong 3 phiên họp kiểm tra này là không cần thiết. Bởi thủ tục mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã được thực hiện và không có bổ sung gì khác. Như vậy, TAND quận 1 ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do trên là không có căn cứ.

Quy định về việc công khai chứng cứ: Được chăng hay chớ - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau buổi làm việc với cơ quan xét xử để cung cấp chứng cứ, thương lượng trong vụ án ly hôn của mình Ảnh: DI LÂM

Có những vụ việc, thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ sau khi thụ lý vụ án. Sau đó, thẩm phán tiếp tục thu thập chứng cứ hoặc đương sự nộp thêm chứng cứ khác nhưng thẩm phán không mở phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ mới. Do đó, đương sự khó có thể biết vụ việc có thêm chứng cứ hay không.

Chưa kể, không ít HĐXX xem nhẹ "bản tự khai" của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (tuy họ không có yêu cầu độc lập) và không công khai chứng cứ này. Trong khi, nội dung họ trình bày ảnh hưởng đến quyền lợi đương sự khác. Vậy, liệu việc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật tố tụng dân sự về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ có bị coi là vi phạm tố tụng không?

Đáng nói, khoản 5 điều 96 BLTTDS 2015 nêu rõ khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án, đương sự phải sao y, gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Điều 200 và 201 BLTTDS 2015, quy định đương sự có quyền đưa ra yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập trước thời điểm tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Điểm b, khoản 2 điều 210 BLTTDS 2015 cũng quy định tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, thẩm phán phải hỏi đương sự về việc gửi chứng cứ cho đương sự khác.

Vậy trường hợp đương sự chưa thực hiện do không biết mà thẩm phán cứ tiến hành hòa giải thì có vi phạm thủ tục tố tụng không? Pháp luật chưa nhắc nhở, hướng dẫn cụ thể việc xử lý những vấn đề trên.

Thực hiện chưa nghiêm

Khoản 5, điều 96 BLTTDS 2015 có nêu: "… đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 điều 109 bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao, gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác".

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đạt được hiệu quả cao phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị, kỹ năng, vai trò và kinh nghiệm của thẩm phán. Do vậy, tòa án cần bảo đảm trước khi mở phiên họp, đương sự đã biết và được biết tất cả tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Hiện nay, nhiều tòa án có yêu cầu đương sự thực hiện rất tốt quy định sao, gửi tài liệu trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Dù vậy, ở rất nhiều vụ việc, các bên không gửi tài liệu cho nhau hoặc thời gian gửi sát với ngày mở phiên họp. Thậm chí, khi đến họp, đương sự mới nhận tài liệu, chứng cứ của bên kia. Điều này có thể làm giảm hiệu quả hòa giải, xét xử.

Thiết nghĩ, cơ quan pháp luật cần yêu cầu cụ thể người khởi kiện có nghĩa vụ gửi các tài liệu chứng cứ cho những đương sự khác ngay từ khi gửi đơn khởi kiện (đối với người khởi kiện) và khi giao nộp tài liệu chứng cứ cho tòa án; đồng thời phải chứng minh mình đã gửi cho đương sự khác.

Việc bắt buộc của thẩm phán

Bản chất quy định kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ diễn ra nhằm bảo đảm mọi chứng cứ đều công khai (trừ trường hợp không được phép công khai) trong quá trình tố tụng. Hòa giải diễn ra với mục đích giúp các bên thương lượng, thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp.

Có những vụ việc đặc thù, phiên hòa giải giữa các đương sự có thể sẽ không diễn ra nhưng thẩm phán bắt buộc phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.

Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự những nội dung:

- Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu tòa án giải quyết;

- Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;

- Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;

- Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.

Thạc sĩ - luật sư LÊ VĂN SUA

nld.com.vn
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật