Vụ xưng nhà báo tống tiền CSGT Tiền Giang: Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Thứ ba, 19 Tháng 3 2019 09:08 (GMT+7)
Đối tượng đi chung với nhóm cưỡng đoạt, trực tiếp điện thoại hẹn gặp và đưa cho bị hại bài báo viết từ đoạn phim do người trong nhóm quay được... nhưng không bị xử lý (?!)

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang vừa có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 2 bị can Phan Dũng (SN 1964; ngụ quận 12, TP HCM) và Nguyễn Văn Uần (SN 1979; ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) về tội "Cưỡng đoạt tài sản", xảy ra tại Phòng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang.

Vào tận trụ sở đe dọa... công an để ăn tiền

Theo kết luận điều tra, khoảng 10 giờ ngày 28-7-2018, Phan Dũng, Nguyễn Văn Uần và Mai Xuân Hiển (SN 1980; ngụ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cùng Nguyễn Minh Phụng (SN 1972; ngụ quận 12, TP HCM) đi trên ôtô 4 chỗ ngồi do Uần điều khiển đến đường dẫn tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) thì thấy Tổ Công tác tuần tra, kiểm soát CSGT Công an Tiền Giang (viết tắt Tổ Công tác) làm nhiệm vụ. Hiển ngồi trên xe còn 3 người kia xuống xe tìm chỗ nấp quay phim Tổ Công tác. Tuy nhiên, do khoảng cách xa, Phụng không quay được nên trả máy cho Dũng quay. Đến 12 giờ, trời mưa, Tổ Công tác không làm nhiệm vụ nữa nên cả 3 cũng không quay phim và trở lại xe.

Vụ xưng nhà báo tống tiền CSGT Tiền Giang: Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm - Ảnh 1.

Camera an ninh ghi lại cảnh Mai Xuân Hiển bước ra từ Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang vào chiều 28-7-2018

Dũng đưa máy quay phim cho Hiển xem nội dung đã quay được, sau đó Hiển viết bài báo liên quan đến sai phạm của Tổ Công tác. Dũng gọi điện thoại cho ông L.A.T (Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang) nhưng ông không nghe máy nên Dũng đưa số điện thoại của ông T. cho Hiển. Khi Hiển gọi thì giới thiệu tên là Xuân Hiển, phóng viên Báo Nhân Đạo và Đời Sống cần gặp ông T. để trao đổi liên quan đến sai phạm của Tổ Công tác.

Lúc 16 giờ cùng ngày, cả 4 người đến Phòng CSGT. Dũng, Hiển và Phụng vào gặp ông T., Uần ở ngoài xe. Hiển và Dũng giới thiệu là phóng viên, đưa cho ông T. xem giấy giới thiệu. Sau đó, Hiển mở máy tính xách tay đọc cho ông T. nghe bài báo mình viết trong đó có nội dung "… chặn dừng nhiều xe, kiểm tra chớp nhoáng..." và nói sáng 29-7-2018 sẽ cho đăng bài báo này lên trang của Báo Nhân Đạo và Đời Sống. Còn Dũng mở máy quay phim cho ông T. xem một số đoạn quay được nhưng không rõ ràng. Ông T. có năn nỉ bỏ qua nhưng Dũng, Hiển không đồng ý và nói "sai phạm quá rõ ràng không thể bỏ qua được", rồi cả nhóm bỏ về.

Cũng theo kết luận điều tra, sợ ảnh hưởng đến uy tín của ngành và trách nhiệm liên đới, ông T. gọi điện thoại nói Dũng ghé quán cà phê nói chuyện. Lúc này trên xe Dũng, Uần và Hiển bàn bạc thống nhất yêu cầu ông T. đưa số tiền là 250 triệu đồng bằng cách trao đổi thông qua ký hiệu. Hiển giơ 3 ngón tay nhưng co lại một ngón (nghĩa là 250 triệu đồng). Khi Dũng bước xuống xe để vào quán, Hiển nói: "Có tiền tỉ cũng không được". 

Khi gặp ông T., Dũng yêu cầu đưa 250 triệu đồng sẽ bỏ qua, ông T. năn nỉ giảm còn 60 triệu đồng nhưng Dũng không đồng ý và bỏ về. Khoảng 21 giờ cùng ngày, ông T. điện thoại cho Dũng xin giảm còn 90 triệu đồng. Dũng điện thoại báo Hiển thì Hiển nói với Dũng: "Anh nói với nó không phải đàn bà, đừng nói nhiều". Đến 22 giờ, Dũng gọi điện thoại cho ông T. nói: "Không bớt gì hết, 250 triệu đồng". Qua trao đổi, ông T. đồng ý sẽ giao tiền theo yêu cầu của Dũng.

"Không đủ cơ sở xử lý"?

Ngày 29-7-2018, Dũng, Hiển, Uần đi ôtô đến Tiền Giang, tiếp tục gặp Tổ Công tác hôm trước đang làm nhiệm vụ để quay phim nhưng không quay được gì. Sau đó, Dũng gọi điện thoại bảo ông T. đưa 250 triệu đồng. Khoảng 12 giờ, Dũng hẹn ông T. đến khách sạn T.L (TP Mỹ Tho) để giao tiền và nhận dữ liệu clip gốc. Do ông T. đến trễ nên cả nhóm bỏ đi. Khi đang đi trên đường cao tốc Trung Lương - TP HCM, Dũng nhận được điện thoại của ông T. kêu quay lại. Dũng báo lại cho Hiển nhưng Hiển không đồng ý và nói với Dũng: "Kêu nó lên đây".

Đến 16 giờ 50 phút cùng ngày, khi Dũng nhận 250 triệu đồng của ông T. thì bị Công an TP HCM và Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang cùng tang vật; sau đó xác minh truy bắt Uần. Riêng Hiển tẩu thoát cùng một số máy móc, thiết bị dùng để ghi hình.

Vụ xưng nhà báo tống tiền CSGT Tiền Giang: Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm - Ảnh 2.

Phan Dũng

Khám xét nơi ở của Phan Dũng, công an thu giữ quyết định về việc tiếp nhận phóng viên theo chế độ thử việc 3 tháng kể từ ngày 21-6-2018 (đối với Phan Dũng). Ngoài ra, công an còn thu giữ nhiều clip có nội dung liên quan đến CSGT đang làm nhiệm vụ ở nhiều tỉnh, thành...

Kết luận điều tra nêu: "Trong vụ án cưỡng đoạt tài sản này, ngoài Dũng, Uần thì cả hai còn khai nhận có Mai Xuân Hiển cùng trực tiếp tham gia thực hiện với vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Hiển chỉ thừa nhận trong 2 ngày 28 và 29-7-2018 có cùng Dũng và Uần xuống Tiền Giang nhưng không thừa nhận có tham gia cưỡng đoạt với cả hai. Kết quả điều tra chỉ có lời khai của Dũng và Uần, người liên quan, người bị hại. Cơ quan điều tra không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh nên không đủ cơ sở để khởi tố, đề nghị truy tố Hiển". Đối với Phụng cũng không đủ căn cứ xác định là đồng phạm.

Vụ xưng nhà báo tống tiền CSGT Tiền Giang: Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm - Ảnh 3.

Nguyễn Văn Uần (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Trao đổi với Báo Người Lao Động, luật sư (LS) Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn LS TP HCM), cho rằng: Nội dung bản kết luận điều tra cho thấy dù Mai Xuân Hiển không tham gia quay phim, ghi hình khi Tổ Công tác làm nhiệm vụ trên tuyến đường Tỉnh 878 ngày 28-7-2018 nhưng Hiển là người đã viết bài báo liên quan đến "sai phạm" của Tổ Công tác từ nội dung đã quay phim và dùng bài báo này làm công cụ để cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân. 

Hiển là người gọi điện thoại và hẹn gặp ông T. để trao đổi; đồng thời camera an ninh Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận hình ảnh bị can Dũng, Hiển, Phụng và phương tiện ôtô màu trắng ra vào Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang từ camera an ninh, như vậy có thể rà soát lịch sử cuộc gọi từ số điện thoại của Hiển. Ngoài ra, khi gặp ông T., Hiển đã mở máy tính xách tay đọc cho ông T. nghe bài báo mà Hiển đã viết về sai phạm của Tổ Công tác nên cũng cần thu thập máy tính xách tay của Hiển để kiểm tra.

"Từ nội dung của bản kết luận điều tra có thể thấy có yếu tố bỏ lọt tội phạm. Hiển là người đã viết bài báo liên quan đến sai phạm của Tổ Công tác từ nội dung đã quay phim của Dũng; Hiển chủ động liên lạc với ông T. để yêu cầu trao đổi và Hiển đã cùng Dũng, Uần bàn bạc, thống nhất số tiền cần thiết để ông T. "chuộc thông tin". Do đó Hiển cũng là đồng phạm trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" này" - LS Toàn phân tích.

Cùng quan điểm này, một điều tra viên cho rằng: "Uần, Dũng là những người bàn bạc cách tống tiền CSGT. Cả hai là bạn của Hiển, đi chung với Hiển. Cũng chính Hiển điện thoại cho ông T. rồi đến Phòng CSGT xưng là phóng viên của Báo Nhân Đạo và Đời Sống, cho ông T. xem bài báo viết từ đoạn phim Dũng quay được. Vậy lời khai của Uần và Dũng là hoàn toàn phù hợp. Ngoài lời khai của Dũng và Uần thì lời khai của những người liên quan, bị hại cũng phù hợp nhau. Không thể nói Hiển không thừa nhận là không có cơ sở để xử lý!". 

Có thể xem xét tại tòa

Với kinh nghiệm hàng chục năm tham gia xét xử và làm công tác quản lý tại TAND TP HCM, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP HCM, cho rằng: "Công an không khởi tố, VKS không truy tố nhưng khi xét xử công khai, HĐXX sẽ đánh giá chứng cứ, lời khai của bị cáo và những người liên quan, sử dụng các chứng cứ có trong hồ sơ cũng như chứng cứ, lời khai tại tòa. Từ đó, nếu xét thấy trong các chứng cứ, lời khai của bị cáo tại tòa xác định đối tượng liên quan có dấu hiệu tội phạm thì tòa sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để tránh lọt người, lọt tội".

Theo bà Thủy, thực tế, nhiều vụ án công an ban đầu không khởi tố nhưng sau đó theo yêu cầu của tòa, sau khi điều tra bổ sung thì đã khởi tố và đưa ra xét xử nghiêm minh, bảo đảm tính công bằng cho tất cả bị cáo trong vụ án.

Minh Sơn - Phạm Dũng - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật