Bé chết sau tiêm chủng, ai chịu trách nhiệm?

Thứ bảy, 13 Tháng 4 2019 08:27 (GMT+7)
Ngày 12-4, bác sĩ Từ Tấn Thứ, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết sở đã thành lập đoàn để làm rõ vụ bé Lê Hữu Việt H. (2 tháng tuổi) tử vong sau khi tiêm chủng vắc-xin ở Trạm Y tế phường An Phú, thị xã Thuận An.

Sáng cùng ngày, sở đã làm việc với các bên liên quan trong đó có Phòng khám Nhi Thành phố (trụ sở tại phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một).

Một nguồn tin cho biết kết quả khám nghiệm tử thi xác định bé chết do phù phổi cấp. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một PGS-TS chuyên về tim mạch phân tích phù phổi cấp là tình trạng ngạt thở do nhiều nguyên nhân gây ra và chỉ có thể cứu được nếu can thiệp đúng và sớm. "Phù phổi cấp có thể xuất phát từ bệnh lý về tim hoặc do truyền dịch quá mức, cũng có thể do sốc, phản ứng nặng sau khi tiêm vắc-xin" - PGS-TS này nhận định.

Bé chết sau tiêm chủng, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Toa thuốc của Phòng khám Nhi Thành phố cấp cho bé Lê Hữu Việt H.

Sáng 10-4, anh Lê Hữu Thế, đưa con là bé Lê Hữu Việt H. (2 tháng tuổi) đến Trạm Y tế phường An Phú để tiêm chủng vắc-xin "5 trong 1".

Đến chiều cùng ngày, bé H. bị sốt, gia đình đã đưa đến Phòng khám Nhi Thành phố khám. Một nữ bác sĩ chẩn đoán cháu bị "sốt sau chủng ngừa" và cấp thuốc Hapacol 80 mg/g, dung dịch Efticol 0.9% (nhỏ mắt - mũi) cùng lời dặn tái khám ngày 11-4. Nữ bác sĩ này kể: "Lúc đó, tôi thấy em bé bình thường, chỉ có triệu chứng sốt, không tím tái hay thở mệt gì cả; chỉ có mắt hơi khô". Dù đã uống thuốc, sáng 11-4, bé vẫn sốt cao, anh Thế đưa con trở lại Phòng khám Nhi Thành phố để khám thì các bác sĩ tại đây phát hiện bé tím tái nên yêu cầu người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương nhưng không qua khỏi. Theo thông báo từ bệnh viện, bé nhập viện lúc 8 giờ 20 phút ngày 11-4, trong tình trạng tím tái, chân tay lạnh, không tự thở, không bắt được mạch, không nghe tiếng tim, không phản xạ thần kinh, đồng tử hai bên giãn 4 mm. Bệnh viện đã khẩn trương tiến hành cấp cứu, hồi sức theo quy trình chuyên môn, sau 40 phút không có kết quả đã ngưng việc cấp cứu.

Về trường hợp bé Lê Hữu Việt H. tử vong sau khi tiêm vắc-xin tại Trạm Y tế phường An Phú, lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Thuận An thông tin vụ việc chưa có kết luận nên chưa bàn đến vấn đề bồi thường.

Các trường hợp bị tai biến sau tiêm chủng sẽ có hội đồng xác định nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm; hội đồng bồi thường phản ứng sau tiêm để xem xét các yếu tố cần được bồi thường. Kinh phí bồi thường tai biến sau tiêm chủng từ nguồn ngân sách và cơ quan y tế.

Như Phú - (nld.com.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật