Lê Văn Liếp nghe đại diện Viện kiểm sát luận tội. Ảnh: KIỀU CHINH
Viện kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Hòa Hiếu, sinh năm 1992, ngụ quận Ninh Kiều, về tội giết người. Hiếu nghiện rượu nặng, không nghề nghiệp, cuộc sống dựa vào chu cấp của người thân. Hiếu sống cùng mẹ, dì ruột tên T.H., anh N. (con rể bà H.) cùng nhiều người khác. Những khi không xin được tiền tiêu xài, Hiếu chửi bới, quậy phá. Hiếu nghĩ anh N. coi thường mình nên rắp tâm trả thù.
Sáng 24-3, sau khi nhậu say, Hiếu giấu con dao trong người để đâm anh N. Do say nhìn không rõ, thấy bóng người đi trong nhà, Hiếu tưởng anh N. nên đâm vào lưng, nhưng không ngờ đâm nhầm bà H. Nạn nhân la lên, bỏ chạy, Hiếu đuổi theo đâm thêm nhiều nhát. Nhờ đưa đi cấp cứu kịp thời, bà H. qua cơn nguy kịch, còn Hiếu bị bắt ngay sau đó. Tại cơ quan điều tra, Hiếu thừa nhận hành vi phạm tội, bày tỏ ăn năn nhưng đã muộn. Mới 27 tuổi đời, Hiếu đã để bản thân trượt dài trên con đường sai trái, ăn nhậu bê tha, tự hủy hoại tương lai chính mình.
Công an TP Cần Thơ cho biết vừa kết thúc điều tra vụ án, đề nghị truy tố Phạm Văn Tài, 33 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, về tội giết người. Cuối tháng 12-2018, Tài gặp người tên Lâm Phi để mua ma túy về sử dụng. Tài đề nghị đưa điện thoại di động cho Phi để đổi ma túy đá. Sau khi thỏa thuận, Phi đưa tép ma túy cho Trần Đạt Pha (25 tuổi) để giao lại cho Tài. Nhận hàng, Tài cho rằng tép ma túy quá nhỏ, không như Phi hứa ban đầu nên tức giận, chạy về nhà, lấy con dao tự chế đi tìm Pha hỏi cho ra lẽ. Gặp mặt, hai bên cự cãi, Tài rút dao đâm vào ngực Pha khiến nạn nhân gục xuống đường, sau đó tử vong; còn Tài bị bắt.
Cũng vì nông nổi, không suy nghĩ thiệt hơn, Lê Văn Liếp (SN 1972, ngụ huyện Phong Điền) gài dây điện gây chết người, bị TAND TP Cần Thơ tuyên phạt 7 năm tù vào tháng 3-2019. Khoảng đầu tháng 4-2018, Liếp cùng vợ con đến ở nhờ nhà để giữ vườn, ao nuôi cá cho anh N., ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Do thường xuyên bị mất trộm mà không tìm được kẻ gian, Liếp gài dây điện để chống trộm, không dè điện giật chết anh V. khi đi công chuyện ngang qua vườn. Tại tòa, bị cáo buồn bã trình bày: “Hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống. Bị cáo nuôi được đàn gà, không dám ăn, để dành mà bị mất hoài, chỉ còn lại một con gà mái, sợ mất luôn nên bị cáo mới làm vậy. Khi giăng điện bị cáo chỉ giăng một sợi dây và nghĩ rằng nếu ai có bị giật thì cũng sẽ văng ra xa, không chết được”.
Chủ tọa phiên tòa chất vấn, bị mất trộm sao không trình báo chính quyền địa phương để giải quyết mà hành xử như thế, Liếp lí nhí nói do tức quá, không kịp suy nghĩ, giờ mới biết sai. Vợ Liếp khóc suốt phiên xét xử, xin lỗi gia đình bị hại và xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng. Còn mẹ bị hại thổn thức kể chuyện con trai. Anh V. là lao động chính trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, chòm xóm đều thương. V. và người yêu đã tính chuyện lâu dài nhưng chưa kịp làm đám cưới thì bị điện giật chết. Mẹ V. yêu cầu xử đúng quy định pháp luật, trả công bằng cho con.
Theo nhận định HĐXX, Lê Văn Liếp đã sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng chống trộm cắp tài sản, không có cảnh báo an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần có hình phạt nghiêm khắc để phòng ngừa, răn đe. Giá như trước đây Liếp bình tĩnh, cân nhắc thiệt hơn thì đâu vướng vòng lao lý với bản án 7 năm tù, vợ không nghề nghiệp, con nhỏ dại chưa biết nương tựa vào đâu.
Những vụ án trên cho thấy các xung đột, mâu thuẫn nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dễ dẫn đến hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, lối sống thiếu lành mạnh (nghiện rượu, ma túy) khiến người ta đánh mất lý trí, xử sự trái với đạo đức xã hội. Cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa như tuyên truyền, hòa giải, giáo dục… để góp phần hạn chế những vụ án mạng đáng tiếc như trên.