Vũ "nhôm" dùng "bí danh" Trần Đại Vũ, Lê Văn Sáu để tự bán cổ phần cho chính mình

Thứ ba, 11 Tháng 6 2019 08:46 (GMT+7)
Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") khai mình có 2 bí danh khác là Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ, được Công an TP Đà Nẵng cấp 2 giấy chứng minh nhân dân và cùng lúc sử dụng 3 tên. Vũ còn tự bán 70% cổ phần cho chính mình.

Ngày 10-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và 4 đồng phạm ra xét xử phúc thẩm theo kháng nghị của VKSND TP Hà Nội và kháng cáo xin giảm nhẹ, kháng cáo không phạm tội của các bị cáo. 

Ngoài Vũ "nhôm", các bị cáo khác đưa ra xét xử cùng là Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Tổng cục Tình báo - Tổng cục V) và Phan Hữu Tuấn (cựu trung tướng, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân bị đưa ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vũ nhôm dùng bí danh để tự bán cổ phần cho chính mình - Ảnh 1.

Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") khai mình cùng lúc sử dụng 3 tên

Tại phiên toà, ông Phan Hữu Tuấn khai lý do chọn công ty Vũ "nhôm" làm công ty bình phong là doanh nghiệp thành đạt và được cấp trên giới thiệu. Tuy nhiên, lời khai này đã bị HĐXX ngay lập tức phản bác: "Trong hồ sơ thể hiện 2 công ty của Vũ rất khó khăn về tài chính, làm ăn bết bát thì theo bị cáo thành đạt ở chỗ nào?". Về nội dung này, cựu Cục trưởng Cục B61 Phan Hữu Tuấn ngập ngừng không trả lời. Bị cáo Tuấn cũng khẳng định mục đích chính giúp công ty bình phong của lớn mạnh về kinh tế để thực hiện nhiệm vụ khác của Bộ Công an. Ngoài ra, không còn nhiệm vụ nào khác.

Bị cáo Tuấn khai thêm bản thân bị cáo có tham gia góp vốn 20% vào để thành lập Công ty Bắc Nam 79, lúc đầu sử dụng tên thật Phan Hữu Tuấn nhưng không được nên báo cáo lãnh đạo đổi là Hoàng Hữu Thân. Sau đó, tháng 4-2015, Công ty Nova 79 được thành lập bị cáo cũng góp 5% vốn và cũng đứng tên là Hoàng Hữu Thân.

Vũ nhôm dùng bí danh để tự bán cổ phần cho chính mình - Ảnh 2.

Cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân trước tòa

HĐXX liền đặt hỏi: "Quy định nào để bị cáo góp vốn vào công ty này khi đang là tình báo? Mọi tình báo phải tuân thủ pháp luật. Trong đó, luật đã quy định, không cá nhân được thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam khi là sĩ quan trong các đơn vị vũ trang công an nhân dân Việt Nam. Ở phiên toà hôm nay bị cáo có đúng luật doanh nghiệp hay không?". Bị cáo Tuấn trả lời loanh quanh về phạm vi của nghiệp vụ tình báo viên được hoạt động thì chủ toạ Bùi Quang Vinh liền nhắc: "Có đặc thù đặc biệt gì cũng không được trèo lên pháp luật". Sau khi được chủ tọa giải thích, bị cáo Phan Hữu Tuấn thừa nhận các tổ chức bình phong được thành lập, hoạt động không đúng với quy định pháp luật, kể cả quy định về tình báo cũng như luật Doanh nghiệp.

Cựu trung tướng Công an cũng cho rằng Vũ "nhôm" tự mình đề xuất xin mua các bất động sản của nhà nước. Ngoài ra, Bộ Công an có các văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện để mua nhưng sau đó Vũ "nhôm" chuyển các tài sản này sang cá nhân là đã lợi dụng danh. "Nếu không có các văn bản của Bộ Công an thì Vũ sẽ không thể nào mua được các nhà đất công sản tại Đà Nẵng và TP HCM"- bị cáo Tuấn khai

Cũng theo bị cáo Tuấn, các văn bản của Bộ Công an đến các địa phương đều đề nghị giúp đỡ công ty bình phong, phục vụ cho hoạt động của ngành. Không có tài liệu nào thể hiện để giúp cá nhân Vũ trở nên giàu có. "Bị cáo khi thực hiện các văn bản giúp sức cho Vũ "nhôm" mua, thuê mua 7 tài sản nhà đất tại các địa phương, bị cáo không được hưởng lợi, mà chỉ nghĩ làm sao để hoàn thành nhiệm vụ được giao"- bị cáo Tuấn khẳng định.

Vũ nhôm dùng bí danh để tự bán cổ phần cho chính mình - Ảnh 3.

Cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành trước tòa

Tiếp đến, quá trình xét hỏi tại tòa, Vũ "nhôm" thừa nhận đã sai luật doanh nghiệp khi các doanh nghiệp của Vũ có sự tham gia góp vốn của 2 người khác cũng là sĩ quan công an khác và bản thân thời điểm đó là trung tá Công an. Quá trình xét hỏi bị cáo Vũ "nhôm" cũng khai mình có 2 bí danh khác là Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ. Bị cáo sử dụng các tên đó trong thi hành nhiệm vụ và được Công an TP Đà Nẵng cấp 2 giấy chứng minh nhân dân và cùng lúc sử dụng 3 tên.

Đáng chú ý, Vũ "nhôm" thừa nhận đã nhiều lần ký các hợp đồng theo dạng "3 trong 1". Bị cáo ký hợp đồng số 11 ngày 27-8-2010 có nội dung Vũ chuyển nhượng cho Lê Văn Sáu 70% cổ phần.

Vũ nhôm dùng bí danh để tự bán cổ phần cho chính mình - Ảnh 4.

Chủ tọa phiên tòa

Khi Chủ tọa hỏi việc tự bán cổ phần cho chính mình thì đúng hay sai, vì theo bộ luật Dân sự thì đại diện công ty không được tự xác lập giao dịch dân sự với chính mình. Về câu hỏi này, bị cáo Vũ "nhôm" thừa nhận mình là sai.

Nguyễn Hưởng - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật