Cần Thơ: Trước ngày xét xử vụ án, bị cáo vẫn khiếu nại kêu oan

Thứ tư, 12 Tháng 6 2019 15:40 (GMT+7)
Theo quyết định của Tòa, ngày 13/6/2019 sẽ tiếp tục đưa Vụ án gây thiệt hại 1.838 tỷ đồng tại Vietcombank (VCB) Tây Đô (Cần Thơ) ra xét xử.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vấn đề liên quan trong vụ án này được bị can, bị cáo liên tục khiếu nại, các cơ quan Trung ương cũng có văn bản yêu cầu, cơ quan điều tra cũng đã “ghi nhận” nhưng vẫn chưa được làm rõ...

Vụ án gây thiệt hại cho ngân hàng 1.838 tỉ đồng

Vụ án gây thiệt hại 1.838 tỷ đồng tại VCB Tây Đô, bị Cơ quan ANĐT của Bộ Công an khởi tố điều tra từ 1/6/2015 xác định “Nguyễn Minh Chuyển và đồng bọn vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; nhóm các DN bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhóm cán bộ ngân hàng VCB Tây Đô tại toà.

Theo đó cơ quan ANĐT xác định, nhóm cán bộ VCB Tây Đô gồm: Nguyễn Minh Chuyển (52 tuổi, nguyên Giám đốc), Trần Anh Huy (45 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tín dụng) và Nguyễn Hữu Nghĩa (46 tuổi, nguyên cán bộ ngân hàng) tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhóm DN là các giám đốc gồm: Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Võ Vũ Bình, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, Cao Hoàng Thám, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng, cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cả hai nhóm bị cáo nói trên liên quan đến ký và thực hiện 56 hợp đồng tín dụng (cho 41 DN thuộc 6 nhóm khách hàng) với tổng số tiền giải ngân trên 2.467 tỷ đồng vay vốn, gây thiệt hại cho VCB Tây Đô tổng số tiền hơn 1.838 tỷ đồng. Trong đó, 6 nhóm DN lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô tổng số tiền trên 1.051 tỷ đồng, theo quyết định truy tố.

Đây được coi là vụ án rúng động ngành ngân hàng ở khu vực ĐBSCL và khá phức tạp, đến thời điểm hiện tại Tòa đã nhiều lần xử, nhưng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, cơ quan điều tra có kết luận chính thức và 5 lần điều tra bổ sung, Viện KSND cũng đã 3 lần ra cáo trạng và 1 văn bản trả lời Tòa.  

Từ những hồ sơ, tài liệu của vụ án cho thấy, nhóm bị cáo Võ Vũ Bình sau khi bị khởi tố, được cho tại ngoại, đến nay Vũ Bình có rất nhiều đơn khiếu nại, kêu oan cho rằng mình là bị hại và được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo như lý lịch bản thân, Võ Vũ Bình được xác định khá tốt, là con liệt sĩ  và là người nổi tiếng trên lĩnh vực kinh doanh nhà hàng khách sạn ở Cần Thơ, từng là đại biểu HĐND cấp thành phố. Trước khi “vướng” vào vụ án này, DN của Vũ Bình được xác định hoạt động kinh doanh khá ổn định, hiệu quả…

Võ Vũ Bình bên mảnh đất tại Cồn Khương.

Cứu Giám đốc chi nhánh ngân hàng tránh bể nợ

Theo lời khai cũng như đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan công tố, từ năm 2007, Vũ Bình thành lập Công ty TNHH TM DL Đại Dương để quản lý điều hành khách sạn, Nhà hàng ẩm thực Sông Trăng, Nhà hàng Cổ Thành Tây Đô. Trước năm 2012, do điều hành hoạt động Nhà hàng Sông Trăng, Vũ Bình quen Trần Anh Huy, sau đó quen biết và thân thiết với Nguyễn Minh Chuyển. Đồng thời, Chuyển cũng là khách hàng thường xuyên của nhà hàng của Vũ Bình.

Thông qua mối quan hệ này, Vũ Bình được Chuyển giúp cho vay hợp đồng có hạn mức vay tối đa 20 tỷ đồng (HĐ số 45). Nhờ vậy mà Vũ Bình chuyển các khoản vay từ ngân hàng khác về VCB Tây Đô để hưởng lãi suất thấp. Vũ Bình được vay và giải ngân 15 tỷ đồng ở HĐ số 45, trong đó Vũ Bình thế chấp tài sản có giá trị 17,8 tỷ đồng. Vũ Bình cho biết: “Chính lời khai của ông Chuyển cũng thừa nhận, đến giai đoạn này, hoạt động động kinh doanh và khách hàng vay vốn là Công ty Du lịch Đại Dương của Võ Vũ Bình là bình thường”.

Tuy nhiên, theo tài liệu, lời khai cho thấy, hoạt động cho vay của chi nhánh VCB Tây Đô có vấn đề, đúng hơn là chi nhánh ngân hàng này đang gặp rối bởi nhiều khách hàng vay đang bị nợ xấu. Cụ thể trường hợp của Lê Tùng Huy (Công ty Vĩnh Nguyên). Ngoài việc đang vay hàng trăm tỷ đồng ở VCB Tây Đô thì Lê Tùng Huy còn vay ở Vietinbank với số tiền hơn 33, 6 tỉ và rơi vào nhóm khách hàng nợ xấu nhóm 5. Để cứu Lê Tùng Huy và cũng là cứu mình, Chuyển nhờ Vũ Bình mua lại phần đất biệt thự khu Cồn Khương, có diện tích 5.479,5 mà Lê Tùng Huy đang thế chấp tại Vietinbank (Trà Nóc).

Nhận lời giúp Chuyển, cứu Lê Tùng Huy, Vũ Bình chấp nhận mua phần đất nói trên 35,5 tỷ đồng (đủ số tiền cho Huy trả nợ gốc và lãi ngân hàng, sẽ không bị khách hàng nợ xấu trong hệ thống, cũng có nghĩa việc Huy vay vốn ở VCB Tây Đô sẽ không lộ nợ khủng – PV).

Theo Vũ Bình, để có tiền mua đất, Chuyển đồng ý cho Vũ Bình tiếp tục vay. Lời khai của Vũ Bình: “Chuyển đã chỉ đạo thuộc cấp làm hợp đồng đáo hạn và vay nâng mức vay từ HĐ số 45 lên HĐ số 88, hạn mức vay tố đa 60 tỷ và phương án kinh doanh đủ thứ, trong đó có cả mua cá tra phi lê và thức ăn (không hề liên quan gì đến hoạt động thực tế ngành nghề của Vũ Bình – PV).

Còn Lê Tùng Huy khai tại toà, sau khi được Chuyển giúp trả nợ bằng bán đất: “Để có chứng từ thể hiện mục đích sử dụng vốn của Công ty DL Đại Dương, tôi đã ký bán cá tra phi lê và thức ăn chăn nuôi với khoảng 30 hóa đơn của công ty Bảo Nguyên với số tiền 46,5 tỉ đồng”. Với số hóa đơn này, hiện Vũ Bình vẫn ôm trọn, không thể hoàn thuế. Vũ Bình và Lê Tùng Huy cũng có lời khai như nhau là 2 bên mua bán đất nhưng không hề gặp nhau, mọi chuyện do người của ngân hàng sắp xếp thực hiện.

Về phần Vũ Bình, HĐ vay vốn số 88 (được giải ngân hơn 59 tỷ đồng), Vũ Bình được hưởng phần đáo hạn và lãi là 15 tỷ đồng và phần mua đất như lời hứa là 35 tỷ đồng.

“Theo yêu cầu của cán bộ ngân hàng, tôi ký sẵn phiếu nhận nợ và ủy nhiệm chi, đóng dấu sẵn cho tiền giao dịch giải ngân” – Vũ Bình nói.

Tuy nhiên, số tiền giải ngân của HĐ số 88, VCB Tây Đô đã giải ngân cho Lê Tùng Huy 40 tỉ và Nguyễn Thanh Hùng (Cty An Đô 5 tỉ). Sau gần 2 tháng ký hợp đồng vay, phần đất biệt thự nói trên được sang tên qua Vũ Bình, Vũ Bình đem thế chấp cho ngân hàng cùng với 17,8 tỷ đồng tài sản trước đó. Thế nhưng Vũ Bình không biết phần đất biệt thự trên được VCB Tây Đô tự định giá tài sản thế chấp theo HĐ số 88 là hơn 19 tỉ. Vì vậy, sau này Vũ Bình bị buộc ôm cục nợ chênh lệch giữa tài sản thế chấp và tiền được giải ngân.

Điều đáng nói phần đất biệt thự Cồn Khương có diện tích 5.479,5 m2 sau đó được cơ quan định giá tài sản độc lập thẩm định giá là hơn 34 tỷ đồng. Đây là tài sản liên quan trực tiếp vụ án, bởi trước và sau khi vụ án bị khởi tố, Võ Vũ Bình đã cung hồ sơ tài liệu liên quan để xác định đây là tang vật, vật chứng liên quan. Tuy nhiên, theo đơn khiếu nại của Vũ Bình, sau khi bị khởi tố bắt tạm giam 32 ngày, phần đất này được Cơ quan ANĐT đồng ý cho VCB Tây Đô bán phát mãi tài sản và bán được 25,3 tỷ đồng.

Với giá này, trực tiếp gây thiệt hại gần 10 tỉ đồng so với giá trị thực tế và tài sản này là tang vật vụ án, được xử đúng theo qui định thì giá thị trường hiện tại khoảng 100 tỉ đồng, đảm bảo trả nợ giúp cho các nhóm bị hại, hại nhóm Vũ Bình, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Kim Luận - Hồng Ân - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật