Thuê ô tô tự lái rồi mang đi cầm để đánh bạc, Trần Văn Út lãnh án 15 năm tù.
Vụ án khá đặc biệt xét xử vào cuối tháng 6 vừa qua liên quan chủ hụi Nguyễn Thị Mỹ Miều (SN 1977, ngụ huyện Thới Lai). Phiên tòa “nóng” không chỉ tính chất vụ việc mà cả trăm bị hại cùng có mặt, nhiều người bày tỏ sự thất vọng lẫn tức giận vì đã đặt lòng tin không đúng chỗ, mất tiền oan uổng.
Nhìn Mỹ Miều dáng vẻ hiền lành, quê mùa, thật khó tin bị cáo dùng mánh lới chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng của hụi viên. Làm nghề nội trợ, thấy người quen trong xóm có tiền nhàn rỗi, Miều rủ chơi hụi với 2 cách thức là hụi mùa (thu hoạch lúa mở 1 lần, mỗi năm mở 3-4 lần) và hụi tháng. Khi đến kỳ mở hụi, ai có số tiền trả cao thì được hốt. Miều thu tiền của hụi viên, giao cho người hốt, còn mình hưởng hoa hồng.
Do ở cùng địa phương quen biết nhau nên nhiều hụi viên tin tưởng, không cần đến bỏ thăm hụi mà thường gọi điện cho Miều hỏi số tiền đóng, thậm chí cũng không cần biết ai hốt. Ban đầu, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Về sau, thấy mọi người dễ dàng giao tiền, nói sao nghe vậy, sẵn đang lúc khó khăn, Miều nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền hụi. Cuối năm 2012, Miều tiếp tục lập ra nhiều dây hụi, sau đó nói dối có hụi viên lĩnh hụi, tự ra giá hốt hụi, tự kê tên hụi viên vào danh sách hụi ảo… cho những người khác tin tưởng đóng tiền. Bằng thủ đoạn này, đã có 139 người sập bẫy của Miều. Do vụ án còn nhiều điều cần phải làm rõ nên sau một ngày xét xử, phiên tòa tạm hoãn.
Cũng vì tin vào lời đường mật, hứa hão mà bà Đ. (quận Ninh Kiều) bị Lê Thị Tuyết Oanh (32 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) lừa hơn 5 tỉ đồng. Nội dung vụ án đơn giản, nhưng câu chuyện được bị cáo dựng lên khiến bị hại tin như thật.
Do không có việc làm, cần tiền tiêu xài, Oanh nói dối có em làm chủ doanh nghiệp tư nhân hải sản, chuyên sản xuất chả cá, rủ bà Đ. hùn tiền mua số lượng lớn bỏ mối kiếm lời. Dù chưa từng gặp mặt chủ doanh nghiệp này, nhưng tin viễn cảnh Oanh vẽ ra, bà Đ. liên tục rót vốn. Từ cuối năm 2016 đến tháng 7-2017, bà Đ. đưa cho Oanh hơn 5 tỉ đồng. Mỗi lần nhận tiền, Oanh đều ký nhận, cho xem hợp đồng góp vốn kinh doanh, trong đó Oanh tự ký tên vào vị trí của người em và đóng dấu tên doanh nghiệp. Bà Đ. yên lòng với mớ giấy tờ này, thỉnh thoảng nhận một ít tiền lời từ Oanh. Đến cuối tháng 8-2017, bà Đ. không liên lạc được với Oanh, nghi bị lừa nên đi tố cáo. Vụ án được đưa ra xét xử vào cuối tháng 5-2019, nhưng phải hoãn vì cần làm rõ một số tài liệu bị hại cung cấp.
Làm nghề tài xế nhưng mê bài bạc, nợ nần, Trần Văn Út (SN 1980, ngụ huyện Vĩnh Thạnh) rắp tâm lừa bạn bè là giới cho thuê ô tô tự lái ở các quận, huyện ở Cần Thơ. Do thường đến thuê xe nên khi Út ngỏ ý thuê dài ngày để làm ăn, đưa khách du lịch, các chủ xe vui vẻ giao xe, giấy tờ. Mỗi khi chủ xe gọi điện hỏi thăm, Út đều báo tình hình xe chạy ngon, đang đưa khách đi tỉnh… Tới chừng không liên lạc được với Út, mọi người đi tìm mới phát hiện xe ở tiệm cầm đồ, phải bỏ tiền ra chuộc. Tính ra Út chiếm đoạt 4 ô tô trị giá trên 2 tỉ đồng. Trong phiên tòa ngày 21-6 vừa qua, Út không dám nhìn mặt bị hại, lí nhí phân trần: “Tại thấy thuê xe dễ quá, sẵn kẹt tiền nên làm ẩu”. Út phải trả giá cho việc làm sai trái bằng bản án 15 năm tù.
Hiện nay, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến, kẻ gian rất tinh vi, sẽ áp dụng thủ đoạn tùy đối tượng. Mấu chốt vấn đề là một bộ phận người dân rất dễ bị dẫn dắt bởi dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài, những lời nói ngon ngọt, chuyện làm ăn lời nhiều… Để kiềm chế tội phạm lừa đảo, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; xét xử loại tội phạm này với mức án nghiêm để răn đe. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để người dân nắm, cảnh giác, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của mình.