Ngày 10-7, Cổng thông tin điện tử Công an TP Hà Nội đã thông tin về vụ Công an TP khởi tố, điều tra vụ án "Lừa dối khách hàng" tại dự án CT6, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Theo Công an TP Hà Nội, liên quan đến vi phạm pháp luật tại dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội, ngày 5-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự tội "Lừa dối khách hàng", quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thanh Thản (SN 1950 trú tại lô 13, BT3, bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) về tội "Lừa dối khách hàng" quy định tại Điều 198 Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ông Lê Thanh Thản
Ngày 8-7, VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với bị can Lê Thanh Thản. Được sự phê chuẩn của VKSND TP Hà Nội, ngày 9-7 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc và địa điểm của bị can Lê Thanh Thản tại các địa chỉ: Lô 45-BT2 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; Ban Quản lý dự án Thanh Hà, phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội; Ban Quản lý khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội, thu giữ một số tài liệu liên quan.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, để xử lý nghiêm hành vi của bị can Lê Thanh Thản theo quy định pháp luật.
Theo Cổng thông tin điện tử VKSND Tối cao, quyết định phê chuẩn khởi tố bị can thì ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về tội "Lừa dối khách hàng" theo quy định tại Điều 198 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, đây là tội ít nghiêm trọng nên người phạm tội này sau khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can thì không bị tiến hành tạm giam và được tại ngoại.
"Tội lừa dối khách hàng" là tội phạm đã được quy định tại Điều 170 BLHS năm 1985 và Điều 162 BLHS 1999, hiện nay là Điều 198 BLHS 2015. Tội này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong BLHS, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng vẫn thực hiện. Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lừa dối khách hàng bao giờ cũng vì động cơ tư lợi.