“Trảm trước tấu sau”?
Theo tài liệu của Dân Việt, vào năm 2014, cơ quan chủ quản của trường ĐH Điện lực thời bấy giờ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc trường ĐH Điện lực đầu tư mua trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam (trường Hồng Lam, Nghệ An).
Những vi phạm này đã được chỉ rõ tại Báo cáo kết quả kiểm soát tại Trường Đại học Điện lực số 357/BC-HĐTV-EVN ngày 3/6/2014.
Cụ thể, theo kết quả kiểm toán của EVN năm 2014, việc đầu tư của trường ĐH Điện lực vào trường Hồng Lam chưa được sự phê duyệt, chấp thuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Hợp đồng mua bán ký ngày 11/3/2011 và Biên bản ký bàn giao ngày 30/5/2011 trong khi Hợp đồng thẩm định giá ký ngày 22/12/2011 và Chứng thư Thẩm định giá phát hành ngày 17/2/2012, điều này có nghĩa là sau khi kết thúc việc chuyển nhượng hơn 8 tháng mới có thẩm định giá.
Đầu tư vào trường Hồng Lam từ năm 2011, sau 7 năm, đến 2018 thì ĐH Điện lực đang thực hiện thoái vốn.
Chưa dừng lại, sai phạm còn được nêu rõ, sau khi chuyển nhượng, báo cáo tài chính trường Hồng Lam chưa chuyển đổi theo giá trị chuyển nhượng, vẫn giữ nguyên như khi chưa chuyển nhượng, báo cáo tài chính năm 2012 – 2013 của trường Hồng Lam chưa được kiểm toán.
Kết quả kinh doanh lỗ luỹ kế đến 31/12/2013 là âm hơn 4,8 tỷ đồng. Mặt khác, trường ĐH Điện lực còn hạch toán kết quả tài chính chưa đúng chế độ.
Với ĐH Điện lực, tại báo cáo tài chính của văn phòng trường chưa hạch toán các khoản đầu tư vào trường Hồng Lam theo chế độ kế toán, báo cáo của trường Hồng Lam chưa hợp nhất vào báo cáo tài chính của trường ĐH Điện lực. Ngoài ra, EVN còn nhận thấy, trường ĐH Điện lực cho trường Hồng Lam vay vốn với lãi suất thấp hơn thị trường.
Vào thời điểm tháng 6/2014, trường Hồng Lam đăng ký với tỉnh Nghệ An giữ nguyên mô hình trường trung cấp nghề tư thục mà chưa trở thành cơ sở đào tạo của trường ĐH Điện lực do chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên theo quy định nên chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập.
Ở một diễn biến mới nhất, theo tài liệu PV nắm được, ngày 1/8/2018, trường ĐH Điện lực đã họp, thống nhất tiếp tục thực hiện công tác thoái vốn đầu tư tại trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam.
Dấu ấn của đương kim hiệu trưởng
Thông tin của Dân Việt, ngày 25/12/2009 trường ĐH Điện lực đã ký hợp đồng xây lắp số 622/HĐXL-ĐHĐL với Công ty cổ phần Sông Hồng Thăng Long về việc thi công gói thầu số 5 (XD-02) Xây dựng ký túc xá sinh viên cơ sở 2 – trường ĐH Điện lực.
Công trình này sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự án là dự án đầu tư công. Sau khi ký hợp đồng, trường ĐH Điện lực đã ứng trước cho nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Sông Hồng Thăng Long số tiền 11 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền ứng trước này đã được Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh Phú Thọ có trụ sở đăng ký tại số 1167 đường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thực hiện việc bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước theo Thư bảo lãnh tiền ứng trước số 0352/BL-BIDV.PT ngày 12/12/2011 và Gia hạn thư bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước số 0119/BL-BIDV.PT ngày 03/5/2012 của Chi nhánh Ngân hàng này. Theo đó thời gian có hiệu lực của bảo lãnh (theo Thư gia hạn) là đến ngày 15/9/2012.
Thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh Phú Thọ.
Quá trình thực hiện hợp đồng nhà thầu thi công đã dừng việc thi công công trình khi chưa hoàn thành dự án, chưa thanh toán hết số tiền tạm ứng nêu trên. Sau đó, trường ĐH Điện lực đã ký hợp đồng xây lắp với nhà thầu khác để tiếp tục thi công công trình này.
Tuy nhiên, trường ĐH Điện lực đã không đề nghị Ngân hàng thực hiện việc bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng kịp thời trong thời hạn thư bảo lãnh còn hiệu lực. Theo Công văn số 0372/CV-BIDV.PT ngày 26/11/2012 của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Phú Thọ về việc phúc đáp công văn số 1974/ĐHĐL-QLĐT ngày 22/11/2012 của trường ĐH Điện lực thì phía Chi nhánh Ngân hàng đã trả lời hiệu lực của thư bảo lãnh đã hết và nghĩa vụ của Ngân hàng theo Thư bảo lãnh đã chấm dứt.
Theo công văn của BIDV Phú Thọ, ĐH Điện lực không có quyền yêu cầu chi nhánh ngân hàng thực hiện việc bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng.
Do đó, trường ĐH Điện lực không có quyền yêu cầu chi nhánh ngân hàng này thực hiện việc bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng. Đồng thời, hiện nay Công ty cổ phần Sông Hồng Thăng Long cũng không có khả năng thanh toán khoản nợ này cho trường ĐH Điện lực. Do đó, khoản tiền ứng trước cho Công ty này đã bị thất thoát không có khả năng thu hồi.
Người trực tiếp phụ trách hoạt động đầu tư xây dựng của trường ĐH Điện lực, cũng là người trực tiếp ký hợp đồng xây lắp số 622/HĐXL-ĐH Điện lực là ông Trương Huy Hoàng khi đó là Phó hiệu trưởng và hiện nay là Hiệu trưởng trường ĐH Điện lực.
Khi Hiệu trưởng quyết thay Bộ trưởng?
Tại công trình Nhà thí nghiệm kết hợp Nhà học - trường ĐH Điện lực cũng bị phát hiện có vấn đề. Công trình này sử dụng nguồn vốn đầu tư từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp là vốn đầu tư công, dự án này là dự án đầu tư công.
Loại, cấp công trình thuộc nhóm B. Theo quy định của pháp luật thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án này phải thuộc Bộ trưởng Bộ Công thương.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 864/QĐ-ĐHĐL ngày 14/7/2017, Hiệu trưởng trường ĐH Điện lực đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án này với mức vốn đầu tư lên tới gần 270 tỷ đồng.
Mặc dù là công trình nhóm B, công trình cấp I nhưng ông Trương Huy Hoàng đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình này chứ không phải là đơn vị chủ quản của trường là Bộ Công thương.
Tương tự công trình xây dựng Trung tâm thí nghiệm cũng sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và thuộc dự án nhóm B. Về thẩm quyền phải do Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhưng tại Quyết định số 242/QĐ-ĐHĐL ngày 22/3/2016, Hiệu trưởng trường ĐH Điện lực đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.
Đồng thời Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cũng tự ý ra Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư công trình Trung tâm thí nghiệm này trái thẩm quyền tại Quyết định số 865/QĐ-ĐHĐL ngày 14/7/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thí nghiệm với mức vốn đầu tư điều chỉnh là hơn 87 tỷ đồng (thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư phải thuộc về Bộ trưởng Bộ Công thương).
Đầu tư vượt 47% so với phê duyệt
Theo kết quả kiểm toán trường ĐH Điện lực của EVN năm 2014, phát hiện một số dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa khác của trường có nhiều tồn tại, bất cập.
Trong dự án đầu tư xây dựng “Xây dựng nhà học viên 7 tầng”, EVN phê duyệt hiệu chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 23 tỷ đồng, nhưng đến ngày 31/12/2013, trường ĐH Điện lực đã đầu tư hơn 34 tỷ đồng, vượt 47,32% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Trong dự án này, gói thầu cung cấp và lắp đặt điều hoà không khí được xác định vượt quá thời gian thực hiện hợp đồng nhưng không có giải trình tiến độ thực hiện, phạt vi phạm thời gian thực hiện hợp đồng. Ngày 27/2/2012, trường thanh toán tạm ứng cho nhà thầu 300 triệu đồng nhưng không có bảo lãnh tạm ứng.
Công tác đầu tư xây dựng của trường ĐH Điện lực được xác định có nhiều vấn đề.
Ở công trình “Cải tạo, chống thấm mái nhà A – CS1”, trường ĐH Điện lực được xác định không lập kế hoạch đấu thầu hung cho cả dự án nhưng đã chia thành 6 gói thầu để thực hiện chỉ định thầu.
EVN xác định, việc tác công trình “Cải tạo, chống thấm mái nhà A – CS1” thành 6 gói thầu, đặc biệt là 3 gói cải tạo, chống thấm tầng mái để thực hiện chỉ định thầu chưa chứng minh được phù hợp với các quy định của pháp luật.
Ở một diễn biến khác, việc thực hiện mua sắm tài sản, vật tư thiết bị của trường thuộc Bộ Công thương này cũng được xác định có vấn đề. Theo tài liệu Dân Việt có được, hợp đồng mua ô tô Honda Accord 3.5L với giá trị gần 1,8 tỷ đã vượt quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, gói thầu cung cấp vật tư phục vụ thực tập năm 2013 với giá hơn 2 tỷ đồng thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cũng được xác định chưa phù hợp.
Dân Việt tiếp tục thông tin tới bạn đọc.