Chính quyền phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM đã hợp thức hóa trái phép một mảnh đất hơn 6.500m2 của gia tộc họ Lâm cho một số cá nhân. Hệ quả là khi những người chủ đất thực sự đang thống khổ kêu gào vì mất đất, thì các cá nhân thuê mướn mảnh đất lại kiếm được tiền tỉ vì được cấp quyền sở hữu để mua bán. Điều lạ lùng là 2 quyển sổ hồng cấp quá vội vã cho ông Phạm Văn Tài, một cái tên “lạ hoắc” để làm hạ tầng phân lô bán nền đã đẩy vụ việc lên đến cao trào...
Đất chiếm dụng đang được phân lô bán nền và xây dựng nhà kiên cố.
Từ thuê mướn thành... chủ đất!
Từ năm 1971, gia tộc ông Lâm Văn Thiện cho bà Tăng Thị Vinh thuê hơn 10.000 m2 phần đất thuộc sổ địa bộ 525 ở xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn (nay thuộc phường Hiệp Thành Q12) để trồng lài. Đến năm 1976, ông Tăng Kiên (cháu bà Tăng Thị Vinh) tiếp tục gia hạn thuê mướn khu đất với thời hạn 12 năm. Sau khi mãn hạn, gia đình ông Thiện lại cho con cháu ông Kiên là các ông bà: Trương Văn Tài, Nguyễn Thị Giác và Văn Én tiếp tục thuê thêm 10 năm nữa. Lúc này, bên thuê đã trả lại một ít đất để gia tộc ông Thiện cất nhà nên diện tích còn lại là 6.526m2.
Năm 1993, do gia tộc ông Thiện nảy sinh tranh chấp nên một số thành viên muốn lấy lại phần đất đã cho thuê trước thời hạn. Vụ việc được khiếu kiện lên chính quyền, song trong Quyết định giải quyết số 77/QĐ-UB của UBND huyện Hóc Môn ngày 17/5/1996 lại cho rằng, mảnh đất thuộc diện cho thuê mướn trước năm 1975 nên thuộc quyền Nhà nước quản lý theo Quyết định 111/CP năm 1977 của Hội đồng Chính phủ. Lợi dụng cách xử lý thiếu thuyết phục này, bên thuê mảnh đất đã nảy sinh “âm mưu” chiếm đoạt bằng cách cất nhà ở lỳ, thậm chí đâm đơn đòi Nhà nước trả đất cho họ!
Ngày 22/12/2011, UBND TPHCM ra quyết định giải quyết khiếu nại của gia tộc họ Lâm, lúc này do ông Lâm Văn Nguyệt đứng đơn kiện. Theo đó, UBND TPHCM vẫn cho rằng mảnh đất của gia tộc họ Lâm thuộc sở hữu Nhà nước và giao cho UBND Quận 12 triển khai dự án công ích. Riêng các hộ Trương Văn Tài, Nguyễn Thị Giác và Văn Én vốn là người thuê đất trước đây được lưu cư trên diện tích 704m2. Điều này một lần nữa gây bức xúc cực độ cho gia đình ông Lâm Văn Nguyệt, người mang đơn khiếu kiện ròng rã 8 năm trời!
Khuất tất sau các quyển sổ đỏ
“Điểm nhấn” của vụ kiện liên quan rất lớn đến cách giải quyết khiếu kiện thiếu thuyết phục của chính quyền, cụ thể là UBND Quận 12. Ngày 21/01/2003, UBND Quận 12 ban hành quyết định giải quyết tranh chấp số 07/QĐ-UB cho phép các hộ thuê mướn (Tài, Giác, Én) hiện đã cất nhà ở lưu cư trên tổng diện tích 704m2.
Không chấp nhận quyết định trên, ông Lâm Văn Nguyệt tiếp tục khiếu kiện. 3 tháng sau, ngày 1/4/2003, UBND Quận 12 tiếp tục ra quyết định số 37/QĐ-UB cho rằng mảnh đất 5.822,3m2 (do đã trừ phần các hộ thuê rồi chiếm đất cất nhà) vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước, cụ thể là UBND phường Hiệp Thành. Do ông Lâm Văn Nguyệt không chứng minh được gia đình không có quá trình sử dụng đất liên tục từ 1971 đến nay (2003) nên ông không được sở hữu! Chính quyết định này đã “bỏ qua” việc thuê mướn giữa các bên được thể hiện rõ ràng bằng văn bản để lấy lý do không trả đất lại cho gia tộc họ Lâm. Và cũng chính quyết định này đã tạo tiền đề để UBND TPHCM bác đơn của ông Nguyệt vào năm 2003.
Tuy nhiên, ông Lâm Văn Nguyệt vẫn kiên trì khiếu kiện cho đến lúc sinh bệnh qua đời. Các con của ông Nguyệt là: Lâm Thị Hồng, Lâm Văn Tiến, Lâm Thị Lệ, Lâm Ngọc Năng... tiếp tục khiếu kiện. Mãi đến ngày 20/3/2017, UBND TPHCM mới nhận ra việc quản lý đất của gia tộc họ Lâm không còn phù hợp nên ban hành quyết định 1201/QĐ-UBND không tiếp tục quản lý nữa. Gia đình ông Nguyệt tưởng như đã được trả lại mảnh đất khổ công đòi lại bấy lâu nay, song chính quyền địa phương lại tiếp tục gây thất vọng khi tạo điều kiện cho các hộ thuê mướn hợp thức hóa nhà đất đang chiếm dụng.
Điều lạ kỳ là sau những lần UBND các cấp ra quyết định lưu cư cho 3 hộ chiếm dụng (Tài, Én, Giác) chỉ có 704m2 nhưng diện tích mà các hộ này được cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ) “bao gồm” luôn cả mảnh đất trống kế bên mà gia đình ông Lâm Văn Nguyệt đang đòi lại. Chỉ riêng bà Nguyễn Thị Giác đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lên đến 1.688m2! Có nghĩa mảnh đất 6.526,3m2 đã bị “xẻ thịt” gần như toàn bộ. Những hộ này sau đó chuyển nhượng cho một số người khác, đến giữa cuối năm 2018 thì qui về cho ông Phạm Văn Tài để làm dự án hạ tầng khu dân cư rồi phân lô bán nền. Hiện nay, ông Phạm Văn Tài đang có đến 2 Giấy chứng nhận QSDĐ mang ký hiệu GH12265 và GH12275 do UBND quận 12 cấp.
Vậy ai là người “đạo diễn” cho màn kịch chiếm đất “khủng” này? Chúng tôi sẽ thông tin tiếp theo trong các số báo tiếp theo