Vụ án cướp giật không có nạn nhân, tang vật, đối tượng có được tha?

Chủ nhật, 24 Tháng 11 2019 20:36 (GMT+7)
Việc tìm kiếm nạn nhân, tang vật trong vụ án cướp giật là rất cần thiết nhưng đó không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
 
Hiện Công an quận 1 (TP HCM) đang giải quyết vụ án cướp giật tài sản do hai thanh niên: Vũ Tấn Vinh và Trần Đức Qui (đều ngụ quận 4, TP HCM), gây ra. Theo nội dung vụ việc, tối 22-11, hai thanh niên này bị bắt khi giật điện thoại của một người đàn ông ngoại quốc. Tại cơ quan công an, Vinh và Qui khai nhận hành vi phạm tội. Công an quận 1 nhận định hành vi của Vũ Tấn Vinh và Trần Đức Qui có dấu hiệu tội "Cướp giật tài sản" nhưng bị hại không tới công an trình báo, chưa thu được vật chứng nên chưa đủ cơ sở xử lý hình sự.
 
Làm sao với vụ án cướp giật không có nạn nhân, tang vật? - Ảnh 1.
Vũ Tấn Vinh và Trần Đức Qui cùng phương tiện thu giữ (nguồn: PLO)
 
Về việc xử lý những vụ án hình sự có tình huống như trên, luật sư Trần Minh Tuấn (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng tòa án từng kết án rất nhiều vụ cướp giật không có nạn nhân hoặc không tìm ra tang vật (do bị cáo làm rơi, tẩu tán trên đường chạy trốn…). Mấu chốt tại những phiên tòa trên là việc cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh hành vi phạm tội. Việc tìm kiếm nạn nhân trong vụ cướp giật là rất cần thiết nhưng đó không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
 
Theo ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao), nếu công an bắt người cướp giật cùng với tang vật thì Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định rất cụ thể về việc bảo quản, niêm phong vật chứng. Tại tòa, nếu cơ quan pháp luật không tìm ra chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tang vật thì cơ quan thi hành án sẽ đăng báo tìm chủ sở hữu.
 
Nếu không có người nhận thì cơ quan thi hành án sẽ bán đấu giá, lấy tiền sung công quỹ nhà nước. Trường hợp cơ quan chức năng không tìm ra tang vật nhưng đối tượng thừa nhận hành vi cướp giật thì có thể tòa án tách phần dân sự trong vụ án hình sự (khắc phục hậu quả) ra để giải quyết bằng một vụ việc dân sự khác, nếu bị hại có yêu cầu.
Di Lâm - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật