Vụ án đất "vàng" 15 Thi Sách: Đề nghị giải mật?

Thứ ba, 17 Tháng 12 2019 15:40 (GMT+7)
Bộ Công an đã kiến nghị UBND TP HCM có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với một số lãnh đạo thời điểm ông Nguyễn Hữu Tín giao khu đất "vàng" 15 Thi Sách (quận 1, TP HCM) trái pháp luật
 
Gần 2 tuần trước khi phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến khu đất "vàng" 15 Thi Sách (quận 1, TP HCM), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP) và bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP) tiếp tục gửi đơn đề nghị cơ quan xét xử, cơ quan có thẩm quyền cho phép người bào chữa sử dụng hồ sơ, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
 
UBND TP HCM đang xem xét "giải mật"?
Cụ thể, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín tiếp tục đề nghị chánh án TAND TP HCM chấp thuận việc cung cấp thông tin các hồ sơ, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong ngành tòa án tại vụ án nói trên. Cách đây 2 tháng, luật sư bào chữa cho ông Tín đã có kiến nghị TAND TP giải mật một số hồ sơ, tài liệu đóng dấu mật. Sau đó, chánh án TAND TP chuyển đơn này đến Bộ Công an, UBND TP cùng sở - ngành trực thuộc giải quyết theo thẩm quyền. Tương tự, người bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt gửi đơn nhắc lại đề nghị xem xét giải mật một số tài liệu trong vụ án đến UBND TP.
 
Các luật sư đề nghị tòa án xem xét tính pháp lý đối với những tài liệu, văn bản mật trong vụ án; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải mật phục vụ quá trình xét xử. Luật sư cho rằng cơ quan xét xử cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong việc sử dụng tài liệu, văn bản có dấu mật đối với người bào chữa trong suốt quá trình xét xử vụ án. Đây là cơ sở giúp người bào chữa có hành vi tố tụng hợp pháp tương ứng đối với cả 2 hình thức xét xử (xét xử kín hoặc công khai).
 
Vụ án đất vàng 15 Thi Sách: Đề nghị giải mật? - Ảnh 1.
Cao ốc tọa lạc tại khu đất “vàng” 15 Thi Sách có 114 khách hàng mua sản phẩm với số tiền lên đến hơn 1.000 tỉ đồng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Chiếu theo pháp luật hiện hành, người bào chữa có nghĩa vụ và quyền hạn được ra chứng cứ; sử dụng tài liệu trong hồ sơ (kể cả tài liệu mật) nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Nhưng người bào chữa tuyệt đối không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích nhà nước.
 
Cách đây khoảng 1 tháng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu có chỉ đạo Sở Tư pháp TP chủ trì, phối hợp cùng Công an TP nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP xem xét đề nghị giải mật hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định pháp luật về việc tham mưu thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, luật sư, tố tụng hình sự và những quy định pháp luật khác có liên quan. Từ đó đến thời điểm TAND TP HCM ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, UBND TP chưa có quyết định chính thức liên quan đến vấn đề này.
 
Làm rõ trách nhiệm một số cá nhân liên quan
Liên quan đến sai phạm, ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận ông ký văn bản, quyết định trái pháp luật như cơ quan pháp luật cáo buộc. Song, ông Tín giải thích do Bộ Công an có công văn đề nghị phục vụ công tác nghiệp vụ nên ông mới ký văn bản giao đất. Bản thân ông Tín không biết Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ - Vũ "nhôm" điều hành) sau khi nhận quyền quản lý khu đất "vàng" đã không sử dụng vào hoạt động nghiệp vụ như Bộ Công an đề cập lúc ban đầu. Cơ quan điều tra không tìm thấy tài liệu, chứng cứ chứng minh nguyên phó chủ tịch UBND TP có động cơ vụ lợi cá nhân khi ký văn bản trái pháp luật. Tương tự, ông Đào Anh Kiệt và ông Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường TP, thừa nhận hành vi phạm tội.
 
Trong quá trình chỉ đạo, ký duyệt văn bản, ông Nguyễn Hữu Tín không báo cáo, xin ý kiến ông Lê Hoàng Quân (Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo 09 TP HCM thời điểm đó). Ông Quân và những thành viên khác trong ban chỉ đạo có nhận 2 công văn do ông Tín ký tên, có nội dung chấp thuận Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 ký hợp đồng thuê đất, khấu trừ tiền thuê đất phải nộp theo quy định. Tuy nhiên, việc nhận văn bản không phải là văn bản báo cáo hay trao đổi mà là nhận theo trình tự, thủ tục hành chính. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ, xem xét trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân kể trên. Vì họ không có ý kiến khi nhận văn bản nên Bộ Công an kiến nghị UBND TP có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này.
 
Sau khi "qua cửa" UBND TP HCM cũng như Ban Chỉ đạo 09, Vũ "nhôm" tận dụng khu đất "vàng" trên ra sao? Năm 2014, Vũ "nhôm" thỏa thuận miệng với ông Bùi Cao Nhật Quân (đại diện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova - Novaland) về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 15 Thi Sách cho công ty này với giá 250 tỉ đồng. Do lúc này UBND TP chưa ban hành quyết định giao đất nên thỏa thuận đó chưa thực hiện. Đến ngày 8-4-2015, Vũ "nhôm" ký thỏa thuận nguyên tắc hợp tác đầu tư với ông Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch HĐQT Novaland).
 
Theo hợp đồng, công ty của Vũ "nhôm" góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại số 15 Thi Sách và chịu trách nhiệm thực hiện mọi thủ tục liên quan về đất. Novaland bỏ tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai và đầu tư xây dựng. Hai bên chia đôi lợi nhuận sau khi trừ mọi khoản chi phí. Sau đó, 2 doanh nghiệp góp vốn thành lập 2 công ty khác thực hiện dự án.
 
Từ ngày 10-11-2018, Bộ Công an ra lệnh kê biên quyền sử dụng đất tại số 15 Thi Sách của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79. Những giao dịch liên quan đến khu đất trên đã được giải quyết trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Vì thế, VKSND Tối cao không đề cập giải quyết trong vụ án này. 
 
Theo dự kiến, ngày 26-12, TAND TP HCM sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, liên quan đến khu đất “vàng” ở số 15 Thi Sách (quận 1, TP HCM).
 
Di Lâm (nld.com.vn)
T/h: Anh Đức - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật