Chuyện 2 vụ kiện được tính bằng... thập kỷ!

Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 14:08 (GMT+7)
Sau hàng chục năm kiện tụng, người dân mỏi mòn chờ đợi phán quyết về những quyết định hành chính, hành vi hành chính từ tòa án
 
Mới đây, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ khiếu kiện hành chính giữa ông N.N.Đ (ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức) với chủ tịch UBND quận Thủ Đức. Người khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ 2 văn bản liên quan đến việc giải quyết khiếu nại do phía bị kiện ban hành và thực hiện. Vụ kiện là hệ quả tất yếu sau nhiều năm người dân khiếu nại vì không chấp nhận cách chính quyền xử sự trong một vụ tranh chấp lối đi chung.
Gần 2 thập kỷ đòi một lối đi
 
Tại tòa, chủ tọa nêu lại nội dung khởi kiện người dân đề đạt. Từ năm 1993, ông N.N.Đ quản lý phần đất gia tộc có diện tích khoảng 300 m2 (thuộc phường Linh Trung). Hồ sơ thể hiện ông Đ. có kê khai nhà đất năm 1999. Trước đây, ông Đ. "trưng dụng" một phần mảnh đất (42x4 m2) làm lối đi chung. Gia đình ông và gia đình bà T.T.P cùng sử dụng lối đi này. Đến năm 2000, bà P. rào thép gai, bít lối đi.
 
Nhiều lần yêu cầu bà P. trả lại phần đất nhưng không thành, ông Đ. khiếu nại ra UBND phường Linh Trung. Mãi đến tháng 9-2003, UBND phường mới mời 2 bên đến làm việc. Bà P. đồng ý trả lại lối đi chung nhưng bội tín. Ông Đ. cho biết bà P. tiếp tục xây nhà trọ trên lối đi. Năm 2008, cơ quan chức năng đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất, trong đó có phần đất thuộc về gia đình ông Đ. Sau đó, cơ quan chức năng lại hủy giấy chứng nhận trên. Dù vậy, dãy nhà trọ nguyên hiện trạng.
 
Chuyện 2 vụ kiện được tính bằng... thập kỷ! - Ảnh 1.
Sức khỏe suy yếu nhưng ông Phạm Thế Vinh (đứng) kiên nhẫn đến tham gia xét xử
 
Gia đình ông Đ. không thể đòi lại phần đất mà bà P. chiếm dụng nhiều năm qua. Suốt khoảng thời gian đó, ông Đ. nhiều lần khiếu nại, đề nghị UBND quận Thủ Đức buộc bà P. tháo dỡ dãy nhà, trả lại lối đi chung theo hiện trạng ban đầu. Tháng 6-2016, UBND quận ban hành văn bản trả lời rằng do những hộ xung quanh không đồng ý nên UBND không thể thực hiện theo đề nghị. Không chấp nhận, ông Đ. tiếp tục khiếu nại. Khoảng 1 năm sau, UBND quận Thủ Đức ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại.
 
Tại tòa, đại diện UBND quận Thủ Đức trình bày chính quyền chưa xử lý công trình nhà trọ do bà P. xây dựng, quản lý vì… chờ quyết định từ tòa án. Trước lý lẽ này, đại diện VKSND TP nhận thấy chính quyền chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. "UBND quận không vận dụng quy định pháp luật trong quá trình xử lý việc lấn chiếm lối đi chung mà lấy ý kiến các hộ dân sống xung quanh làm căn cứ kết luận. Đây là cách làm thiếu thuyết phục" - đại diện VKS nhấn mạnh. Do sự việc trải qua nhiều năm, với nhiều nội dung cần thẩm định nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài.
7 năm theo kiện
Không dai dẳng bằng vụ kiện ông N.N.Đ theo đuổi nhưng quá trình ông Phạm Thế Vinh (SN 1949) khởi kiện UBND quận 2 cũng gian truân không kém. Hiện cơ quan xét xử chuẩn bị tiếp tục đưa ra xét xử vụ khiếu kiện liên quan đến quyết định cưỡng chế đất giữa ông Phạm Thế Vinh với UBND quận 2. Vụ khiếu kiện hành chính kéo dài từ năm 2012 đến nay chưa rõ hồi kết.
 
Theo người khởi kiện, ông mua một mảnh đất có giấy tờ đầy đủ ở phường Bình Khánh (quận 2) từ năm 2001. UBND quận 2 có cấp giấy phép san lấp mặt bằng để chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất. Từ đó, ông Vinh làm nhà tạm, sống tại đây. Năm 2010, UBND quận 2 ban hành quyết định thu hồi, tiếp đó là quyết định cưỡng chế đối với mảnh đất.
 
Khẳng định chính quyền làm trái pháp luật, ông Vinh khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy 2 quyết định hành chính do chính quyền quận 2 thời kỳ đó ban hành. Năm 2012, TAND quận 2 thụ lý vụ khiếu kiện. Vừa qua, tòa án thông báo đưa vụ án ra xét xử nhưng phiên tòa hoãn lại do đại diện UBND phường Bình Khánh vắng mặt. Sau đó, HĐXX tiếp tục dời lịch xét xử với lý do xem xét đơn khiếu nại ông Vinh gửi tòa án sau khi hoãn phiên tòa lần trước.
 
Người dân tỏ ra rất bức xúc khi đại diện phía bị kiện vắng mặt khiến phiên tòa không thể diễn ra như dự kiến sau gần 10 năm hòa giải, thỏa thuận không thành. 
Thẩm quyền xét xử
 
Theo luật sư Phương Văn Thêm (Đoàn Luật sư TP HCM), điều 31, 32, Luật Tố tụng Hành chính 2015 nêu rõ: Thẩm quyền giải quyết vụ án "Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, của chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương". Đồng thời, nghị quyết của TAND Tối cao hướng dẫn việc thụ lý vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trước ngày 1-7-2016 nhưng kể từ ngày này mới xét xử theo thủ tục sơ thẩm thì cơ quan xét xử áp dụng Luật Tố tụng Hành chính 2015 trong quá trình giải quyết, xét xử.
 
Bài và ảnh: Di Lâm - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật