Xét xử 2 nguyên chủ tịch Đà Nẵng: Đổ lỗi để né tội

Thứ bảy, 04 Tháng 1 2020 16:01 (GMT+7)
Hai nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng các bị cáo đều khai làm theo chủ trương, chỉ đạo, "kế thừa thực hiện" chứ không tư lợi gì trong việc bán nhà, đất công sản với giá bèo cho Vũ "nhôm"
Ngày 3-1, phiên tòa xét xử 21 bị cáo trong đó có Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") cùng 2 nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến trong vụ án gây thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng xảy ra tại Đà Nẵng bước vào phần thẩm vấn.
 
Tin tưởng văn bản của Bộ Công an
Tại phiên tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến khẳng định không quan hệ với Phan Văn Anh Vũ. Về việc chuyển nhượng dự án số 16 Bạch Đằng, bị cáo Chiến cho biết nếu căn cứ theo luật đất đai thì không đúng. Tuy nhiên, do có văn bản của Bộ Công an đề nghị chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 để phục vụ xây dựng, phát triển tiềm lực của ngành nên ông mới chỉ đạo xử lý. "Tôi rất quan tâm và chuyển ngay cho anh Tuấn (Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - PV) xử lý" - bị cáo Chiến nói.
 
HĐXX truy hỏi về việc văn bản của Bộ Công an có bắt buộc phải chuyển nhượng nhà đất cho Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 hay không thì bị cáo Chiến trả lời: Về hình thức, văn bản chỉ đề nghị quan tâm, giải quyết nhưng về hiệu lực thì lãnh đạo UBND, các địa phương nghĩ đây là trách nhiệm cần ủng hộ cho lực lượng công an. "Bị cáo có đưa ra trong giao ban lãnh đạo TP, xin ý kiến của bí thư, chủ tịch HĐND. Ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng cũng đề nghị cho thuê 50 năm. Trên cơ sở đó, bí thư thống nhất cho thuê. Sau đó, đưa ra giao ban chủ tịch, phó chủ tịch phân tích đủ thứ và quyết định ủng hộ cho công an. Và cứ nghĩ đất cho thuê vẫn còn đó, cần sẽ thu hồi. Đất của TP Đà Nẵng qua Bộ Công an cũng không mất đi đâu, còn việc quản lý của Bộ Công an đối với Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 - doanh nghiệp bình phong tôi không biết thế nào. Cho nên, có quyết định cho thuê 50 năm" - bị cáo Chiến khai.
 
Với các quyết định bán 22 nhà, đất công sản khác, bị cáo Chiến khẳng định: "Tôi tin tưởng quyết định của chủ tịch, tin tưởng cơ quan giúp việc chuyên môn. Việc tôi ký chỉ là một khâu quy trình, không chịu sự chỉ đạo, không chịu sức ép của ai và không được hưởng lợi gì từ việc này".
Xét xử 2 nguyên chủ tịch Đà Nẵng: Đổ lỗi để né tội - Ảnh 1.
Bị cáo Trần Văn Minh (giữa) và một số bị cáo trong vụ án. Ảnh: TTXVN
 
"Làm đúng theo chủ trương"
Trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng việc công ty của Vũ "nhôm" được mua với giá rẻ là do UBND TP căn cứ vào Nghị định 38 của Chính phủ. Theo đó, bị cáo lập luận với quy định người mua nộp tiền một lần được giảm 20% thì "Thường vụ Thành ủy, UBND TP nghiên cứu áp dụng giảm 10% là có lời cho ngân sách nhà nước rồi". Chủ trương này đã có từ thời Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND TP Hoàng Tuấn Anh, đến thời bị cáo chỉ là "kế thừa thực hiện".
Đối với dự án 29 ha khu đô thị quốc tế Đa Phước, bị cáo Minh nói bị cáo đã làm đúng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo kết luận giám định, đất này gọi là đất sạch nhưng thực tế đó là đất mặt nước.
Với dự án 3,77 ha đường Trường Sa, bị cáo Minh khai xuất phát từ việc đất chưa được đền bù giải phóng mặt bằng, nên theo quy định, việc giao đất này không qua đấu giá. "Việc giao đất khi đó là không sai vì đất chưa được giải phóng mặt bằng, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc giảm 10% là làm đúng theo chủ trương của TP" - bị cáo Minh quả quyết.
 
Về giá bán các dự án trên theo giám định thấp hơn giá thị trường gây thiệt hại cho nhà nước, bị cáo Minh phủ nhận và cho rằng thị trường bất động sản thời điểm đó đóng băng "nên giá bán đó đã có lợi". Riêng dự án Công viên An Đồn, bị cáo Minh cho rằng bị cáo đồng ý chủ trương giao dự án này cho Công ty Cổ phần Bắc Nam 79 mà không qua đấu giá là dựa trên quy định của Nghị định 17 và công văn của Bộ Công an.
 
Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Công văn của Bộ Công an có phải là quyết định bắt buộc chuyển nhượng không?", bị cáo Minh đáp ngay: "Bắt buộc phải thực hiện". Bị cáo phân trần thêm: "Khi bị cáo là chủ tịch UBND TP được Bộ Công an giới thiệu Vũ là tình báo viên hoạt động trên địa bàn, chủ tịch Đà Nẵng phải tạo điều kiện để tình báo viên hoạt động".
 
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Phan Xuân Ít, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND Đà Nẵng, khai báo bị cáo giúp việc cho chủ tịch UBND TP Đà Nẵng qua các thời kỳ, gồm cả ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Bên cạnh đó, bị cáo cũng theo dõi 2 công ty quản lý đất đai và quản lý nhà của TP Đà Nẵng. "Chủ tịch TP là người quyết định chủ trương chuyển nhượng nhà đất công sản, quyết định đối tượng được nhận chuyển nhượng cũng như giá chuyển nhượng. Khi có chủ trương, chỉ đạo của chủ tịch, bị cáo chỉ thảo văn bản, quy trình theo chỉ đạo đó" - bị cáo Phan Xuân Ít phủ nhận trách nhiệm.
 
Nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng còn phủ nhận có quan hệ với Vũ "nhôm", mọi việc làm theo chỉ đạo của cấp trên, không có động cơ, mục đích gì, cũng không nhận được gì từ người được chuyển nhượng. 
"Không biết mình đã vi phạm pháp luật"
 
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng, khai năm 2008, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương bán nhà công sản đang cho thuê. Thời điểm đó, bị cáo làm doanh nghiệp nên việc gì lợi thì làm, không biết mình đã vi phạm pháp luật. "Doanh nghiệp có nhu cầu mua nên tôi đã làm đơn xin mua 4 dự án nhà công sản thì UBND TP chỉ giải quyết cho tôi 2 cái là 37 Pasteur và 57 Lê Duẩn" - bị cáo Lộc khai.
 
Cũng theo bị cáo Lộc, sau khi UBND TP giải quyết cho mua 2 lô đất thì lúc đó, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh gọi điện cho bị cáo, nói cái nào không dùng thì bán cho Vũ "nhôm". "Sau đó, Vũ "nhôm" liên hệ với tôi để gặp nhau và tôi chỉ đồng ý nhượng lại lô đất 37 Pasteur" - bị cáo Lộc nói.
 
Nguyên chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Cán cũng khai bị cáo thường nhận chỉ đạo miệng của ông Nguyễn Bá Thanh thông qua Phan Xuân Ít, Đào Tấn Bằng (nguyên chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng) .
 
Nguyễn Hưởng(nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật