Thế nào là “xe không chính chủ”
Công an TP Cần Thơ tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, mức xử phạt cho hành vi điều khiển xe không chính chủ tăng hơn nhiều so với trước. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đều không có cụm từ “xe không chính chủ”. Thực tế, “xe không chính chủ” là cách gọi đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe, để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe khi mua hoặc được cho, tặng, phân bổ, điều chuyển, thừa kế. Theo Đại úy Phạm Văn Duy, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Cờ Đỏ, tại khoản 10 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.
Như vậy, hoàn toàn không có chuyện chồng hoặc vợ hoặc người thân trong gia đình đi xe của nhau sẽ bị phạt nặng lỗi “xe không chính chủ”. Việc xử phạt xe không chính chủ chủ yếu được xác định khi phương tiện có liên quan đến tai nạn giao thông và người sở hữu xe hiện tại đã mua bán xe từ người khác mà không hoàn thành các giấy tờ chuyển đổi theo quy định.
Mức xử phạt
Đối với xe máy, theo khoản 4, Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô, không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô… Đối với ô tô, mức xử phạt được quy định tại điểm I, khoản 7, điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP: phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự ô tô.
Thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện
Thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện gồm: bản khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đó thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp bị mất Giấy chứng nhận đăng ký xe, phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Trong trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe thì hồ sơ đăng ký sang tên gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đó thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp bị mất Giấy chứng nhận đăng ký xe, phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Bài, ảnh: Chấn Hưng - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)