Từ ngày 1/1/2020, mức phạt đối với hành vi uống rượu, bia sau khi điều khiển phương tiện giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được tăng lên rất cao. Không chỉ dừng lại ở mức phạt tiền mà các hình thức phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe cũng được nâng lên rất nhiều so với trước đây. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, mức phạt như vậy đủ sức răn đe về lâu dài sẽ thay đổi nhận thức của người dân.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho biết: "Rượu là một trong những sáng tạo lâu đời nhất của con người. Ban đầu nó có ý nghĩa rất tích cực và là một phần văn hóa của con người. Được sử dụng trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, những đồ lễ trong những dịp tâm linh….
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị ý nghĩa về tinh thần, biểu tượng, nhưng việc lạm dụng rượu, bia gây những ảnh hưởng tiêu cực đến con người. Chúng ta thấy như hiện tượng sử dụng rượu bia quá mức dẫn đến những vấn đề về tai nạn giao thông, vấn đề về đạo đức hay tình trạng nghèo đói do sử dụng rượu bia quá nhiều".
Từ ngày 1/1/2020, mức phạt đối với hành vi uống rượu, bia sau khi điều khiển phương tiện giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP tăng lên rất cao (ảnh Bảo Trung)
Xử phạt theo Nghị định 100, theo ông Bùi Hoài Sơn, khía cạnh tích cực là khiến người dân cẩn trọng hơn trong việc sử dụng rượu bia, hạn chế được tai nạn giao thông. Đây là khía cạnh tích cực, đánh vào nhận thức con người từ đó tác động vào hành vi. "Việc "đánh mạnh" vấn đề kinh tế khiến người dân phải cân nhắc, dè chừng. Về lâu dài người tham gia giao thông sẽ thay đổi nhận thức và biết được hậu quả nghiêm trọng do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia gây ra"- ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Là một người trẻ thuộc thế hệ 9x, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Lộc hoàn toàn ủng hộ Nghị định 100. Là Giám đốc Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên- chuyên nghiên cứu văn hóa cổ, phục dựng cổ trang, Nguyễn Đức Lộc cho rằng, nếu coi uống rượu bia là một nét văn hóa thì chỉ là ngụy biện. "Chỉ nhìn khía cạnh văn hóa thì các nước đồng văn với chúng ta như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có văn hóa bia rượu như mình nhưng họ cũng áp luật như thế từ lâu rồi, thậm chí còn làm nghiêm khắc hơn nhiều. Chỉ cần vi phạm là họ tước bằng lái".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc cũng cho biết, các nước này còn đưa vào phim ảnh những chi tiết như khi uống rượu bia thì nhà hàng có dịch vụ đưa khách về tận nhà. Những người đó thuộc nhà hàng hoặc công ty dịch vụ quản lý nên không thể xảy ra tiêu cực. Đó là văn minh. "Nếu nói bia rượu là văn hóa thì cũng cần xét trên khía cạnh văn minh nữa, không phải xét trên khía cạnh mất đi văn hóa. Không ai cấm uống bia, rượu, vấn đề là uống như thế nào. Cách xử lý ra làm sao là câu chuyện đáng bàn"- Nguyễn Đức Lộc khẳng định.
Xử phạt theo Nghị định 100, theo ông Bùi Hoài Sơn, khía cạnh tích cực là khiến người dân cẩn trọng hơn trong việc sử dụng rượu bia, hạn chế được tai nạn giao thông (ảnh minh họa Bảo Trung)
Trước những ý kiến cho rằng, nếu tính thêm dịch vụ đưa đón, phải chăng chỉ "người giàu" mới được uống bia rượu? Nguyễn Đức Lộc cho rằng: "Bất cứ luật nào đưa ra cũng là áp dụng cho toàn xã hội, điều chỉnh hành vi của toàn xã hội, không phân biệt bất cứ ai, địa vị nào, đẳng cấp nào. Chúng ta biện bạch chỉ vì tôi nghèo nên không tiếp cận văn minh, không có tiền để mua ô tô nên không cần làm đường to? Nếu đã đưa cái nghèo ra biện bạch thì cũng có thể đặt ngược lại, anh nghèo thì đừng uống bia rượu nữa, nó có hại cho sức khỏe, hại cho cộng đồng khi bị tai nạn. Khi nào anh kiếm được nhiều tiền thì uống, thêm phụ phí vào để tôn trọng bản thân anh, tôn trọng cả xã hội".
"Người Việt chúng ta vẫn hay đòi hỏi một xã hội văn minh như phương tây, nhưng khi áp dụng những điều luật để có được cung cách văn minh như phương tây thì lại không chịu. Như thế thì bao giờ có được văn minh? Vì dân Việt vẫn còn quen thoải mái, tùy tiện, lách luật. Khi nhà nước đưa ra quy định nghiêm khắc, áp dụng phục vụ lợi ích chung, bảo vệ người dân, giảm tai nạn giao thông… thì phải tôn trọng Luật"- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc nhận định.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, việc xử phạt nặng khi uống rượu bia tham gia giao thông ban đầu có thể có những phản ứng, nhưng về lâu về dài, sẽ tạo thành ý thức cho người tham gia giao thông, cũng như trước đây, khi quy định về việc sử dụng mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe máy được áp dụng, cũng dấy lên những ý kiến phản đối, cho rằng phức tạp, là vi phạm quyền cá nhân... nhưng hiệu quả từ việc này, qua thời gian đã được kiểm chứng.
Cũng có một vài ý kiến còn bày tỏ băn khoăn, nghi ngại, rằng Luật quá "rắn" và áp thực hiện nay thì khó cho người thực hiện. Một số khác thì không phản đối, nhưng lại tỏ ra chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả của Nghị định đối với việc cải thiện tình hình an toàn giao thông, mà cho rằng, mức phạt nặng chỉ làm tăng "chung chi". PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thực sự đi vào đời sống, ngoài ý thức chấp hành của người dân thì trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật cũng đóng vai trò quan trọng. Cần phải áp dụng các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ một cách khách quan và nghiêm khắc. Tất cả các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đều phải bị xử lý".
Sự khó khăn trong việc thay đổi thói quen sử dụng bia rượu thường xuyên sau rất nhiều năm là không dễ. Và nguy cơ của những tiêu cực, tất nhiên lúc nào cũng có. Nhưng đó là những chuyện của cá nhân, hoặc của công tác kiểm soát lực lượng thực thi công vụ, hoàn toàn không liên quan đến việc người dân phải tự giác chấp hành pháp luật. Đó cũng tuyệt nhiên không phải là ý kiến của những người có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng, vì sự phát triển của xã hội./.
Hồng Hà Theo link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)