LƯU Ý: Không đeo khẩu trang ở nơi đông người, bị xử mức nào?

Thứ hai, 23 Tháng 3 2020 17:15 (GMT+7)
Pháp luật chế tài ra sao với hành vi không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể là không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, nơi tập trung đông người?
Chính phủ đã có chỉ đạo về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với tất cả công dân Việt Nam cũng như công dân nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, mọi người phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tập trung đông người (siêu thị, sân bay, nhà ga, trên phương tiện giao thông công cộng…).
Pháp luật chế tài ra sao với hành vi không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể là không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng?
 
Theo luật gia Nguyễn Văn Lâm, cơ quan chức năng có thể phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng khi phát hiện hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch, người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Thẩm quyền xử phạt trường hợp như trên thuộc về thanh tra y tế hoặc chủ tịch UBND xã, phường (quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). 
LƯU Ý: Không đeo khẩu trang ở nơi đông người, bị xử mức nào? - Ảnh 1.
Người dân xã Sơn Lôi (tỉnh Vĩnh Phúc) tuân thủ quy định về phòng chống dịch (ảnh: NGUYỄN HƯỞNG)
Luật gia Nguyễn Văn Lâm lưu ý người mắc bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan virus Covid-19 còn có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người". Tội phạm và hình phạt quy định tại Điều 240, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đó, hai trường hợp có thể nhận án tù lên đến 10 năm, gồm: vi phạm khiến chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch; gây chết người. Người vi phạm có thể nhận án tù lên đến 12 năm nếu hành vi sai phạm làm chết 2 người trở lên, Thủ tướng Chính phủ phải công bố dịch.
Trước đó, Bộ Y tế có ban hành văn bản liên quan đến công tác xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Nhằm hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc sử dụng và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đúng nơi quy định. Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh, TP chỉ đạo đơn vị chuyên môn tại địa phương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi tháo bỏ khẩu trang, chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang. Sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín đúng quy định và rửa sạch tay. Các địa phương bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công cộng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về việc vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, có mức phạt tiền từ 3-7 triệu đồng.
 
Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, như sau:
- Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này.
- Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Theo - thehao247.vn
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật