Đó là vụ cướp tại nhà ông Trương Văn Xệ ở ấp Hồi Phước, xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) vào lúc rạng sáng 20/8. Vào thời điểm trên, ông Xệ đang ngủ thì bọn cướp đột nhập dùng súng khống chế trói chân tay.
Những đồng chí trong Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long đã từng tham gia phá án.
Ông Xệ la lên thì một tên dùng dao lê đâm vào lưng 3 nhát làm tê liệt kháng cự của ông Xệ, đồng thời chúng cắt vải mùng nhét vào miệng, bịt mắt. Sau khi tháo lấy đầu máy dầu, chúng dùng dây trói chân ông Xệ kéo lên trần nhà. Chúng cướp đi 1 đầu máy xới hiệu Yamha130, 1 cái mền nỉ, 50 thước lưới đánh cá, 2 lít dầu, 300đ.
Bọn cướp đi rồi, ông Xệ nén cơn đau, ráng sức kêu la cầu cứu. Người dân nghe thấy đã đến đưa ông Xệ đi cấp cứu. Tại bệnh viện, sau khi các vết thương tạm ổn, ông Xệ kinh hoàng kể lại diễn biến vụ cướp với các trinh sát.
Theo mô tả của ông Xệ về nhân dạng và thủ đoạn hành vi của bọn cướp, Ban chuyên án nhận định bọn cướp gây ra vụ cướp tại nhà ông Xệ và những vụ cướp nêu trên do cùng một băng nhóm gây ra mà tên cầm đầu là Ngô Văn Si.
Trước tình hình bọn cướp hoạt động ngày càng liều lĩnh, táo bạo và manh động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân, lãnh đạo Ty Công an Cửu Long chỉ đạo Ban chuyên án khẩn trương củng cố tài liệu chứng cứ để bắt nguội toàn bộ băng nhóm này, không để chúng tiếp tục gây tội ác.
Tuy nhiên phải mất nhiều tháng ngày lặn lội khắp vùng sông nước mênh mông, các mũi trinh sát mới có được những tin tức, hồ sơ tương đối rõ về bọn cướp. Từ báo cáo của Ban chuyên án, lãnh đạo Ty Công an quyết định cất lưới băng nhóm này vào ngày 16/9/1981.
Từ trưa đến nửa đêm 16/9, các mũi trinh sát cùng công an các địa phương đồng loạt tấn công, 3 tên Ngô Văn Si, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Trung Tiếu đều sa lưới trinh sát. Ngoài việc thừa nhận đã gây ra những vụ cướp trên, bọn chúng còn khai nhận một số vụ cướp khác, như: đêm 4/1/1980, chúng thực hiện vụ cướp tại nhà bà Hồ Thị Thua ở Vũng Liêm (bà Thua là bác vợ của Lã Văn Lương).
Chuyện bắt đầu khi Lã Văn Lương đi làm mướn ở Hòa Hiệp và đến ở đậu nhà bà Ngọc là mẹ vợ của tên Si nên Lương quen biết Si và đồng bọn. Tên Si gợi ý với Lương là biết nhà nào giàu có thì chỉ để đánh cướp. Lương gia nhập bọn cướp và chỉ điểm đánh cướp nhà bà Thua sau khi hắn điều nghiên quy luật sinh hoạt của gia đình này. Nửa đêm, khi gia đình bà Thua đang ngủ thì chúng vào gõ cửa và nói: “Con của bà ở Dinh Hải nhắn về là đi suốt lúa không mang theo giấy tờ, bị bắt ở dưới đó rồi”.
Nghe vậy, chủ nhà mở cửa mời vào nhà thì lập tức Lương, Si xông vào dùng súng khống chế, bắt trói vợ chồng bà Thua vào giường, nhét khăn vào miệng. Lương lục lấy 5 chỉ vàng, 1 miếng lắc cẩm thạch, 600đ, 1 radio, 1 bình ắc quy rồi tẩu thoát.
Sau khi cướp nhà bà Thua, chúng đến nhà ông Nguyễn Trung Tính (Chín Tính) ở Hòa Hiệp (Tam Bình) nắm tình hình. Biết nhà ông Tính chỉ có vợ chồng già nên cả bọn thống nhất đánh cướp. Si phân công Lương, Thành cầm dao, Si cầm khẩu súng Rulo cướp được ở nhà chị Hoa. Đến nơi thấy nhà ông Tính có khách, chúng ngồi ngoài bụi chuối chờ. Khi khách vừa về, Thành đi thẳng vào trong buồng.
Si và Lương chĩa súng khống chế bắt trói ông Tính. Nhưng quá bất ngờ đối với chúng là ông Tính chống trả quyết liệt. Dồn hết sức bình sinh, ông tống vào ngực tên Lương một cú đấm quá mạng khiến hắn bay xuống sông.
Những tên đồng bọn nhào tới, lập tức bị ông Tính phang đòn gánh tới tấp khiến cả bọn hốt hoảng, cuống cuồng tháo chạy không cướp được gì. Ông Tính ra sân kêu cứu. Mọi người chạy đến thì bọn cướp đã biến mất.
Tuy thất kinh hồn vía qua vụ cướp tại nhà ông Chín Tính nhưng vụ cướp hụt ấy càng làm chúng có thêm kinh nghiệm. Những vụ sau, chúng chủ động tấn công không để sơ hở, như vụ cướp tại nhà bà Trần Thị Hằng ở ấp Ngãi Thạnh, xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm).
Chuyện bắt đầu khi Nguyễn Trung Tiếu về quê vợ ở xã Xuân Hiệp thì gặp Thành và Tụng rủ gia nhập băng cướp. Với lòng tham sẵn có và vừa cùng đồng bọn thực hiện vụ cướp nên Tiếu tiếp tục nhập bọn.
Sau đó Tiếu gặp Nguyễn Văn Lé (Tám Dự) nói chuyện cướp bóc, Tám Dự đồng ý và chỉ điểm mục tiêu đánh cướp nhà người bà con là Trần Thị Hằng. Tiếu, Tám Dự, Thành, Tụng gặp nhau bàn kỹ kế hoạch đánh cướp.
Tụng phân công Tiếu vào trộm khẩu súng Cacbin của Bảy Thạnh đưa cho Thành giữ, Tụng cầm dao lê, Tiếu cầm dây và chèo xuồng về nhà Tám Dự rước Dự cùng đi. Khi đến nhà bà Trần Thị Hằng, Thành cầm súng, gỡ vách chui vào mở cửa cho Tiếu và Tụng vào.
Tám Dự ở lại giữ ghe. Khi cả bọn có mặt trong nhà, Thành chĩa súng khống chế để Tụng trói chân tay và bịt mắt chị Hằng, nhét khăn vào miệng em gái chị. Sau đó chúng mở tủ lục lấy 2 đôi bông tai, 3 dây chuyền, 4 cà rá, 1.700đ và một số vải, quần áo…
Lúc này các thành viên Ban chuyên án chạy như đèn cù mà vẫn không hết việc. Các vị chỉ huy chuyên án liên tục bàn thảo các phương án tác chiến, yêu cầu các tổ trinh sát tích cực nắm tình hình di biến động của bọn cướp, đồng thời tăng cường xây dựng cơ sở quần chúng theo dõi nắm tin tức về chúng.
Những hộp thư tố giác tội phạm, thậm chí có cả thư của người dân gửi theo đường bưu điện đến cơ quan công an đã phát huy tác dụng khi người dân chỉ rõ nơi trú ngụ của bọn cướp. Cuộc điều tra tổng lực và vô cùng quyết liệt đã có kết quả mỹ mãn khi đến cuối năm 1981, tất cả các thành viên băng cướp đều bị bắt giữ.
Chúng khai nhận đã hoạt động từ tháng 8/1980 đến tháng 12/1981 với hàng chục vụ cướp trên vùng Tam Bình, Trà Ôn. Hành vi phạm tội của chúng bị ngăn chặn sau 3 vụ cướp cuối cùng là vụ tại nhà anh Nguyễn Văn Bé, vụ tại nhà ông Trương Văn Xệ ở ấp Hồi Phước (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) và vụ tại nhà chị Trần Thị Hằng.
Ngoài ra bọn chúng còn khai nhận đã thực hiện hàng loạt vụ trộm nhà dân ven sông Cửu Long, lấy đi nhiều ghe xuồng, máy móc và tài sản có giá trị.
Tống giam những tên cướp khét tiếng, lực lượng trinh sát hình sự tỉnh Cửu Long và công an các huyện lại tiếp tục lao vào cuộc đấu tranh trấn áp tội phạm trên sông nước Cửu Long, bởi còn một băng cướp có vũ khí khét tiếng khác đang lộng hành.
THANH NGHỊ - (tintucmientay.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)