Dự án “Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn cầu” chính thức thi công vào ngày 27/02/2020. Dự án có tổng mức đầu tư 5.003 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 3.389,6 tỉ đồng, phần còn lại là chi phí đền bù giải tỏa… Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Công trình này đóng vai trò quan trọng trong giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Mỹ Thuận, kết nối với cao tốc TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai. Đồng thời, dự án hoàn thành sẽ tạo ra tiềm lực kinh tế lớn cho người dân tỉnh Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo thiết kế, dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn cầu sẽ nối dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và điểm cuối là nút giao Quốc lộ 80 thuộc địa phận Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long với tổng chiều dài 6,6km. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 cầu chính dài 1,9km, độ tĩnh không cao 37,5m, rộng 25m, phần còn lại là đường dẫn hai đầu cầu ở Vĩnh Long và Tiền Giang.
Từ khi có chủ trương xây dựng dự án, bà con nhân dân đều đồng tình, tạo mọi điều kiện hỗ trợ việc thi công, giải tỏa mặt bằng. Tuy nhiên, không ít người dân cho rằng, mức giá đền bù quá thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của họ. Đến nay, một số hộ dân nhận thấy tiền bồi thường không đủ chi phí mua đất, di dời nhà cửa nên nhiều hộ dân tại ấp Thống, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè vẫn chưa nhận tiền đền bù và di dời.
Các hộ dân khóc ròng vì mức giá đền bù quá thấp, không đủ chi phí để di dời nhà
Phản ánh tới Báo Công lý & Xã hội, nhiều hộ dân sống tại ấp Thống, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bức xúc về mức giá đền bù mà Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cái Bè niêm yết quá thấp khiến người dân không đủ tiền mua đất, di dời chỗ ở.
Trong đơn, người dân trình bày, cuối năm 2019, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cái Bè đưa ra bảng giá niêm yết công khai đối với dự án “Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn cầu”. Mức giá mà Ban Quản lý đưa ra quá thấp, chỉ bằng 20-50% so với mức giá trên thị trường. Không những giá đền bù đất thấp mà chi phí hỗ trợ các hạng mục như bồi thường công trình phụ, trợ cấp… cũng thấp.
Cụ thể, hộ gia đình ông Nguyễn Trần Thanh (ấp Thống, xã Hòa Hưng) có diện tích 543,6m2 thuộc thửa đất số 139, tờ bản đồ số 16 đã được cấp “sổ hồng”. Nhưng gia đình ông chỉ được áp mức đền bù khoảng 4,5 tỷ đồng, bằng 50% giá trị trên thực tế.
Ông Thanh bức xúc: “Chúng tôi không cần giá đền bù quá cao chỉ cần đổi lại giá trị tương đương căn nhà, diện tích đất mà gia đình tôi đang sinh sống để chúng tôi ở. Tôi không hiểu phía cơ quan chức năng có gì khuất tất mà người dân khiếu nại suốt nhiều tháng trời mà cứ im bặt, không phản hồi để chúng tôi biết”.
Hiện tại các hộ dân vẫn không thể di dời qua nơi ở mới vì chi phí quá thấp
Tương tự, gia đình anh Lê Văn Sang (ấp Thống, xã Hòa Hưng) mua 100m2 đất với giá 100 triệu đồng từ 7 năm trước nhưng chỉ được Ban Quản lý áp mức đền bù 37 triệu đồng. Nếu so với mức giá thị trường thì chỉ bằng 10% nên gia đình anh không đủ chi phí để di dời.
Nhiều hộ gia đình tại ấp Thống, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè cũng rơi vào cảnh “đi cũng dở, ở không xong” vì mức giá đền bù không thể mua được đất ở nơi khác để sinh sống và sản xuất. Do đó, một số hộ dân vẫn di dời để trả lại mặt bằng thi công dự án.
Trước những khiếu nại của người dân, nhằm thông tin một cách khách quan và đa chiều, ngày 27/03, phóng viên Báo Công lý & Xã hội đã liên hệ UBND huyện Cái Bè, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cái Bè, các cơ quan trên đã tiếp nhận thông tin và hứa trình lên lãnh đạo xem xét, trả lời.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Cái Bè cần nhanh chóng có những phản hồi khiếu nại và đưa ra mức giá bồi thường hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân theo đúng chủ trương mà nhà nước đã quy định.
Kim Sáng - Ngọc Minh - (conglyxahoi.net)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)