Vợ tiến sĩ Bùi Quang Tín đề nghị khởi tố vụ án

Thứ bảy, 11 Tháng 4 2020 20:57 (GMT+7)
Vợ của tiến sĩ Bùi Quang Tín đặt nghi vấn về những uẩn khúc quanh cái chết của chồng, đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án để điều tra
Ngày 10-4, ông Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng VKSND TP HCM, cho biết các phòng nghiệp vụ của cơ quan này vẫn đang phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiếp tục làm rõ vụ việc tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín rơi từ tầng 14 một chung cư ở huyện Nhà Bè. "Nếu cơ quan điều tra thụ lý tin báo, VKSND sẽ giải quyết tin báo" - ông Đỗ Mạnh Bổng thông tin.
Khám nghiệm lại hiện trường
 
Sáng cùng ngày, Công an TP HCM phối hợp với VKSND TP và các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục khám nghiệm hiện trường khu vực giếng trời sảnh D2, chung cư New Sài Gòn (huyện Nhà Bè) - nơi tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín rơi lầu tử vong.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, toàn bộ khu vực nơi hiện trường ông Tín rơi lầu bị phong tỏa để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Tại thời điểm khám nghiệm, Ban Quản lý chung cư New Sài Gòn cho hay đang phối hợp để cung cấp thông tin khi được yêu cầu.
 
Trước đó, Công an huyện Nhà Bè đã hoàn tất thủ tục điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ việc lên Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiếp tục điều tra.
Nghi ngờ nhiều uẩn khúc
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thanh Bích (SN 1975) - vợ tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín - cho biết đã ủy quyền cho luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP HCM) nộp đơn đề nghị các cơ quan chức năng điều tra vụ án.
Vợ tiến sĩ Bùi Quang Tín đề nghị khởi tố vụ án - Ảnh 1.
Chung cư nơi tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín đến và được phát hiện tử vongẢnh: Sỹ Hưng
Cụ thể, bà Bích nói trong bản tường trình với Công an huyện Nhà Bè ngay sau khi chồng tử vong, bà đã đặt nghi vấn về những uẩn khúc xung quanh cái chết của ông Tín.
Trong đơn đề nghị khởi tố vụ án gửi đến Công an TP HCM và VKSND TP HCM, bà Bích yêu cầu xem xét 3 vấn đề chính. Thứ nhất, ông Tín chịu nhiều sức ép từ ban lãnh đạo và các phòng ban nội bộ và thường hay nhận được tin nhắn đe dọa.
Thứ hai, bà Bích cho rằng việc chồng bà được cho là té ngã là hết sức phi lý, bất thường và có nhiều uẩn khúc cần làm rõ. Trong đó bà Bích chỉ ra những tình tiết vô lý, mâu thuẫn về lời khai của những người liên quan trong diễn biến vụ việc.
 
Thứ ba, nghi vấn từ hiện trường vụ án và khi gia đình chứng kiến giám định pháp y tại Bệnh viện huyện Nhà Bè. Cụ thể, hiện trường vụ tai nạn cũng như tại căn hộ không tìm thấy kính cận hoặc mảnh vỡ nào của mắt kính trong khi ông Tín cận nặng. Ông Tín cao khoảng 1,6 m, hàng rào sắt balcon cao 1,4 m, chiếc ghế (đã gãy lưng) để cạnh lan can hàng rào sắt balcon có dấu giày và dấu chân, trên thành lan can sắt có 1 đoạn tương đương thân người đã sạch bụi, thành lan can không có dấu tay ông Tín vịn vào, tay của ông Tín cũng không có bụi; tư thế nằm sau khi rơi xuống… Đặc biệt, kết quả khám nghiệm tử thi ghi "bao tử trống rỗng" trong khi ông Tín được mời ăn trưa và có mặt ở đó từ trưa đến chiều…
 
Từ những vấn đề này, bà Bích đặt nghi vấn ông Tín chết trước khi rơi xuống lầu nên đã đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra; đồng thời bảo vệ bà cùng 2 con.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định cơ quan tố tụng chỉ được khởi tố vụ án khi xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên căn cứ: tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức cá nhân; tin báo trên các phương tiện thông tin; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; người phạm tội tự thú.
 
Khi tiếp nhận các thông tin nêu trên, CQĐT, VKSND phải tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm…, CQĐT phải kiểm tra, xác minh và đưa ra một trong các quyết định: Khởi tố vụ án; không khởi tố vụ án; tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Trường hợp tin báo có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tin báo có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Quá thời gian này mà chưa thể kết thúc việc xác minh thì ra quyết định tạm đình chỉ.
 
"Đối với trường hợp xảy ra sự việc chết người, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm, CQĐT sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu xác định được hung thủ) mà không cần phải có đơn yêu cầu khởi tố của người đại diện hợp pháp của người bị hại" - luật sư Nguyễn Văn Đức phân tích. 
Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín là giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM. Ông am hiểu sâu rộng về lĩnh vực kinh tế, có nhiều ý kiến xây dựng chính sách, phát triển kinh tế...
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật