Tủ sách pháp luật
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt hai nội dung sau:
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Trên cơ sở kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các sở, ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.
Các sở, ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, thực chất, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh mới được thông qua, trong đó chú trọng Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin và các chính sách, pháp luật khác liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự - an toàn xã hội, các lĩnh vực pháp luật được dư luận xã hội quan tâm liên quan trực tiếp đến từng đối tượng, địa bàn cụ thể.
Chú trọng triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo thường xuyên, có trọng tâm, phù hợp với nhu cầu, tâm sinh lý lứa tuổi của các em học sinh, học viên. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (09/11).
Công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Về công tác hòa giải ở cơ sở: Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở”, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ. Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động hòa giải ở từng địa bàn cụ thể, vận động thay thế các hòa giải viên không đủ điều kiện, để thực hiện công tác hòa giải một cách tích cực, hiệu quả. Huy động đội ngũ luật sư, luật gia, người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có lực lượng công an xã (đã được chính quy hóa) tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở. Kịp thời khen thưởng đối với tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và khuyến khích xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong hòa giải ở cơ sở tại địa phương.
Đối với công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tủ sách pháp luật cho người dân
Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng có lưu ý đối với các sở, ngành, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Uỷ ban nhân dân Tỉnh (qua Sở Tư pháp) để trao đổi, hướng dẫn thực hiện.
PV Tây Nam Bộ - (baophapluat.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)