Ngày 19-5, HĐXX Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với nguyên Đô đốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến; Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) cùng 6 bị cáo trong vụ án liên quan đến những sai phạm tại khu "đất vàng" trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP HCM).
Cậu cháu phản bác nhau
Theo cáo trạng, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ nhờ Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu) đứng tên giám đốc thành lập Công ty Yên Khánh. Hoan không có thực quyền, mọi việc đều làm theo chỉ đạo của Hệ.
Tại tòa, bị cáo Hoan khai khi thành lập Công ty Yên Khánh, bị cáo mới 21 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công nghiệp TP HCM, coi bị cáo Hệ như cha mẹ nên Hệ nói gì cũng nghe. Khi đứng tên thành lập Công ty Yên Khánh, bị cáo không đóng góp đồng vốn nào, chỉ nghĩ đứng tên hộ.
"Bị cáo cũng chỉ được nhận lương của nhân viên kế toán. Tất cả vấn đề liên quan đến tài chính, các dự án, mọi hoạt động đều phải thông qua ông Diệt (bị cáo Phạm Văn Diệt, nguyên Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh - PV). Ông Hệ cũng dặn cứ tin tưởng Diệt, tất cả giấy tờ bị cáo ký đều phải qua ông Diệt" - bị cáo Hoan khai và cho rằng Công ty Yên Khánh là của Đinh Ngọc Hệ nên Hệ quyết định về tài sản ở công ty này.
Về lời khai này, tại phiên tòa, nhiều lần bị cáo Hệ khẳng định không biết gì, không liên quan gì với Công ty Yên Khánh. Do đó, không có việc bị cáo nhờ Hoan đứng tên thành lập công ty.
Về việc Công ty Yên Khánh ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành của QCHQ, bị cáo Hoan cho rằng mình không trực tiếp đi làm nên không biết. "Ông Trần Văn Lâm là trợ lý ông Diệt đi làm nên biết hết. Ông Trần Văn Lâm làm cũng phải qua Diệt. Việc chuyển đổi lô đất từ Công ty Yên Khánh thành Yên Khánh Hải Thành bị cáo cũng không biết" - bị cáo Hoan nói.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa Ảnh: DUY LÚY
Ngoài ra, bị cáo Hoan cũng khẳng định không biết việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lô đất 7-9 Tôn Đức Thắng. Việc công ty sau đó đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7-9 Tôn Đức Thắng cho các công ty thế chấp vay ngân hàng đều do Diệt và bộ phận tài chính của công ty làm.
Phản bác, bị cáo Hệ khẳng định mình không biết khu đất 7-9 đường Tôn Đức Thắng. HĐXX dẫn chứng các bị cáo ở QCHQ khai bị cáo Hệ đến Công ty Hải Thành khi ký hợp đồng và một số lần đến để đàm phán hợp đồng. Tiếp đến, chủ tọa công bố nhiều hình ảnh thể hiện Đinh Ngọc Hệ có mặt tại các cuộc họp và theo lời khai của Phạm Văn Diệt, bị cáo Hệ có mặt để chủ trì việc triển khai dự án xây cao ốc văn phòng tại khu đất số 7-9.
Tuy nhiên, bị cáo Hệ bào chữa: "Công ty của bị cáo, các cán bộ, ban giám đốc có quan hệ, làm ăn rộng. Hôm đó (thời gian chụp ảnh - PV), bị cáo đi qua, vợ bị cáo xin pho tượng… để đặt bàn nên bị cáo dẫn vào cho vợ nhìn, hỏi tượng này được không? Bị cáo không liên quan, nói tên cuộc họp bị cáo mới biết".
Đề nghị trả lại quyền sử dụng đất
Tại phiên tòa, đại diện bị hại là QCHQ khẳng định với các sai phạm của các bị cáo, QCHQ đã mất quyền sử dụng 3 khu đất (số 2, 9-11, 7-9) ở đường Tôn Đức Thắng do đã sang tên cho các công ty liên doanh khi hợp tác với Công ty Hải Thành. Riêng khu đất số 7-9, các bị cáo Hệ, Hoan và Phạm Văn Diệt đã lừa đảo chiếm quyền sử dụng đất mang đi thế chấp ngân hàng. Nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời thì nguy cơ lô đất này sẽ bị phát mại.
Về hình thức lừa đảo, đại diện QCHQ cho biết các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan đã gian dối trong lập tờ trình số 10 phản ánh không đúng về năng lực tài chính của Công ty Yên Khánh gửi QCHQ xin liên doanh thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng thương mại cho thuê. QCHQ đã tin tưởng, không thẩm tra năng lực tài chính, kinh doanh, nguồn nhân lực của Công ty Yên Khánh và chấp nhận cho liên doanh. Đến nay, qua làm việc với cơ quan tố tụng, QCHQ mới biết tại thời điểm đó, năm 2006, Công ty Yên Khánh mới thành lập được 7 tháng, Hoan làm giám đốc khi còn là sinh viên.
Đại diện QCHQ đề nghị các công ty liên doanh và các đối tượng liên quan trả lại quyền sử dụng 3 khu đất nói trên cho QCHQ quản lý; Công ty Hải Thành nộp lại cho QCHQ hơn 939 tỉ đồng tiền sử dụng đất của 3 khu đất nói trên.
Hôm nay (20-5), phiên tòa tiếp tục.
Do quá bận rộn và chưa quen quản lý đất đai (!?)
Tại phiên tòa ngày 19-5, bị cáo Nguyễn Văn Hiến cho biết được đào tạo 9 năm ở nước ngoài về chỉ huy quân sự và chưa một ngày được đào tạo quản lý kinh tế, nhất là quản lý đất đai. Thời điểm xảy ra những sai phạm, bị cáo đang rất bận vì bản thân Ủy viên Trung ương Đảng phải nghiên cứu nghị quyết, họp, quán triệt nghị quyết.
Bị cáo là đại biểu Quốc hội nên một năm mất 2-3 tháng họp Quốc hội, triển khai kết quả, tiếp xúc cử tri, công nhân. Ngoài ra, bị cáo được chỉ định tham gia lớp cán bộ nguồn cao cấp toàn quân, đi làm nghiên cứu sinh từ năm 2003-2008, phải học tập trung.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)