Miền Tây: Dân rất bất an vì nạn khai thác cát vẫn diễn ra rầm rộ

Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 08:40 (GMT+7)
Nguyên nhân chính gây sạt lở là sự thiếu hụt phù sa và cát. Khai thác cát có tác động đến hàng trăm cây số, vì tạo ra những hố sâu nhân tạo mà cát năm sau không thể vượt qua đi tiếp xuống bên dưới.
 
Do vậy, dù là khai thác cát có phép hay trái phép người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều cảm thấy bất an.
 
Các phương tiện khai thác cát trái phép bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ.
 
Từ “cát tặc” hoành hành…
 
Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, lực lượng chức năng các tỉnh ĐBSCL bắt giữ nhiều phương tiện khai thác cát trái phép. Điển hình là khoảng 21 giờ ngày 15-10, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bến Tre đã bắt quả tang 3 phương tiện gồm: 2 tàu sắt và 1 ghe cây do Nguyễn Văn Đoàn (43 tuổi), Trần Thanh Tấn (29 tuổi) và Nguyễn Vũ Phương (26 tuổi, cùng huyện Mỏ Cày Nam) điều khiển đang có hành vi bơm, hút cát trái phép trên tuyến sông Cổ Chiên (thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam).
 
Tại thời điểm bị bắt quả tang, 3 phương tiện đã hút trộm được trên 55m3 cát sông. Qua làm việc, các đối tượng đều thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện, buộc bơm toàn bộ số cát trên xuống lòng sông.
 
Tại tỉnh Sóc Trăng, rạng sáng 27-9, trong khi tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Hậu, khi đến thủy phận giáp ranh giữa 2 xã An Lạc Tây và xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách), Đội Cảnh sát đường thủy đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Đương (59 tuổi, ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) điều khiển ghe gỗ (tải trọng khoảng 30 tấn) đang sử dụng các thiết bị hút cát dưới lòng sông.
 
Qua làm việc với lực lượng chức năng, Đương đã thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép của mình và cho biết phương tiện ghe gỗ không có giấy chứng nhận đăng ký.
 
Trước đó, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Công an huyện Cù Lao Dung bắt giữ 3 phương tiện với 5 đối tượng đang khai thác cát trái phép trên sông Hậu (thuộc địa bàn xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách).
 
Các đối tượng bị bắt quả tang gồm: Lê Văn Năng (28 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), Trương Văn Thuận (42 tuổi, ngụ huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), Lê Thanh Phong (41 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), Lê Minh Tuấn (44 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và Trương Quốc Bình (41 tuổi, ngụ huyện Kế Sách).
 
Tại tỉnh An Giang, tổ công tác gồm Công an, Hải quan và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã bắt giữ 2 ghe sắt đang sử dụng vòi hút cát trái phép tại cồn Vĩnh Hòa.
 
Thời điểm này, chiếc ghe không biển số (trọng tải 100 tấn) hút cát từ lòng sông bơm qua ghe sắt BS:ĐT16407 (trọng tải 50 tấn). Khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng chống trả quyết liệt để bỏ chạy, buộc lực lượng làm nhiệm vụ phải bắn phát súng chỉ thiên và nhanh chóng khống chế được 2 đối tượng trên ghe sắt gồm: Tô Văn Biển (52 tuổi) và Trần Minh Khiểm (32 tuổi, cùng ngụ xã Vĩnh Xương). Riêng 2 đối tượng đi trên ghe sắt không biển số, lợi dụng đêm tối nhảy xuống sông bơi vào bờ bỏ trốn. Tại thời điểm bị lực lượng chức năng phát hiện, trên mỗi ghe có khoảng 10 – 20m3 cát.
 
“Cát tặc” hoành hành khiến đất đai, nhà cửa của người dân trôi sông.
 
… Đến dự án thông luồng sông Hậu
 
Mới đây, Báo Công an TPHCM nhận được đơn phản ánh của gần 30 hộ dân ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang về dự án nạo vét luồng đảm bảo giao thông trên sông Hậu (đoạn từ đuôi cồn Cóc đến bến đò Chợ Mới Phước Hưng).
 
Người dân ở huyện An Phú (An Giang) phản ánh với phóng viên về dự án nạo vét thông luồng sông Hậu.
 
Trong đơn người dân trình bày: Vào cuối tháng 1-2020, tại khu vực sông Hậu đoạn thuộc ấp Phú Thạnh và Phú Hòa, xã Phú Hữu xuất hiện 4 xáng cạp của Công ty Hiệp Phát Châu Phú thực hiện việc khai thác cát với quy mô lớn. Do đó dẫn đến sạt lở bờ sông, nhà cửa và khiến Trường Tiểu học A Phú Hữu bị đe dọa, ảnh hưởng việc học tập của học sinh.
 
Đến tháng 6-2020, việc sạt lở khu vực này diễn ra trầm trọng hơn, nên họ dùng xuồng, ghe chạy ra ngăn cản. Đơn vị thi công cho rằng đã được sự cho phép của cơ quan chức năng, dự án thực hiện với mục đích khai thông dòng chảy…
 
Dẫn chúng tôi ra bờ sông có một số điểm bị sạt lở, ông Võ Minh Trường (44 tuổi, ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu) cho biết: “Trước khi dự án được triển khai có họp dân nhưng bà con không đồng ý, vì nhà cửa san sát nhau và cách sông không bao xa. Đoạn sông Hậu này cách nay 10 năm có nạo vét 2 lần, lần gần nhất là cách nay khoảng 4 năm. Thời điểm đó múc cát để phục vụ cho 4 khu dân cư và 2 tuyến dân cư ở xã Phú Hữu. Ngoài ra còn phục vụ cho tuyến tỉnh lộ 957, với chiều dài khoảng 30km”.
 
Lo lắng dự án sẽ tiếp tục triển khai, ông Nguyễn Văn Đực (53 tuổi) cho hay: “Trước đây, cạnh bờ sông có bãi bồi nhưng qua mấy lần nạo vét lấy cát đã sâu thẳng đứng, giờ múc thì sạt lở là điều dĩ nhiên. Ở đây người dân đất rất ít, thậm chí nhiều hộ chỉ có nền nhà để ở. Chúng tôi kiến nghị là ngừng triển khai dự án”.
 
Mất ăn mất ngủ vì dự án trên, anh Đỗ Thanh Tuấn (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng) buồn bã nói: “Hai xáng cạp mới lên múc cát được mấy sà lan mà bờ sông phía sau nhà đã xuất hiện các vết răn nứt, có nguy cơ sạt lở. Nếu tiếp tục múc cát thì sớm muộn gì nhà tôi và hàng chục hộ dân khác trong khu vực sẽ trôi sông”.
 
Xáng cạp dừng hoạt động do nạo cát sông Hậu quá sâu so với quy định.
 
Được biết, dự án này được UBND tỉnh An Giang ký quyết định phê duyệt hồ sơ đề xuất vào ngày 9-5-2019. Địa điểm thực hiện là xã Phức Hưng, xã Phú Hữu. Nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH Hiệp Phát và Công ty TNHH Hiệp Phát Châu Phú. Dự án có chiều dài tuyến 4.500m, chiều rộng luồng 2 làn 126m, cao trình đáy nạo vét là -7m. Tổng khối lượng nạo vét là hơn 1,7 triệu mét khối, trong đó cát tận thu là hơn 1,1 triệu mét khối. Tổng số tiền phải nộp tính theo giá tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm phê duyệt là 931 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án là 3 năm.
 
Sau khi người dân phản ứng việc khai thác của đơn vị khai thác không đúng với quyết định phê duyệt, ngày 14-7-2020, Sở TN-MT tỉnh An Giang có báo cáo số 149/BC.STNMT về kết quả kiểm tra dự án nạo vét luồng có thu hồi khoáng sản (cát) đối với Công ty TNHH Hiệp Phát Châu Phú. Theo kết quả kiểm tra, một số đoạn công ty đã nạo vét vượt độ sâu cho phép, dẫn đến người dân phản ảnh, cần phải chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hòa Hợp - Chủ tịch UBND huyện An Phú - cho biết: “Qua kiểm tra phát hiện doanh nghiệp múc quá sâu so với quy định, nạo vét một vị trí quá lâu. Những ý kiến phản ánh của người dân, UBND huyện thấy rất là chính đáng. Hiện đang cho các ngành chuyên môn phối hợp với đơn vị thi công để đi khảo sát lại diện tích đất đai, nhà cửa, kiến trúc của người dân, để khi xảy ra sạt lở thì đơn vị thi công có trách nhiệm bồi thường cho người dân theo đúng quy định”.
 
Nguyễn Nhân - (congan.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật