Sáng 21-12, luật sư bào chữa cùng các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ sai phạm trong thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương gây thiệt hại hơn 725 tỉ đồng, tiếp tục đưa ra quan điểm đối đáp đại diện VKSND TP HCM.
Bị cáo Đinh La Thăng kết thúc phần tự bào chữa
Như lần tự bào chữa trước, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - GTVT) một lần nữa bác bỏ nhiều lập luận về căn cứ buộc tội đại diện cơ quan công tố đối đáp ở tòa. Bị cáo Đinh La Thăng nhận thấy đại diện VKSND TP đưa ra quan điểm mang nặng tính chất "gắp lửa quá lớn", ném vào bản thân bị cáo cũng như những bị cáo khác từng làm việc ở Bộ GTVT. Từ đó, bị cáo yêu cầu người thừa hành quyền công tố giải thích rõ hơn nữa cáo buộc bị cáo đóng vai trò chính trong vụ án.
Đại diện cơ quan công tố tại toà ngày 21-12
Theo bị cáo Đinh La Thăng, đại diện VKSND TP HCM nhầm lẫn khi lập luận về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương). Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước đã chuyển nhượng quyền thu phí trong 5 năm cho Công ty Yên Khánh (do Đinh Ngọc Hệ thao túng). Đây là chuyển nhượng quyền khai thác tài sản, không phải chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản. Theo đó, Công ty Yên Khánh có quyền tổ chức thu phí và quản lý số tiền thu về từ hoạt động thu phí. Bị cáo Đinh La Thăng đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định hơn 725 tỉ đồng (số tiền cơ quan công tố xác định do bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm gây thất thoát). "Cần xác định rõ số tiền này thực sự thuộc về ai, từ đó xử lý cho đúng" – bị cáo nói.
Trước đó, đại diện VKSND TP HCM nhận định quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương là tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý, khai thác. Vì thế, số tiền các bị cáo gây thất thoát vốn là tiền thuộc ngân sách nhà nước. Đáng ra, sau khi thực hiện hoạt động thu phí, doanh nghiệp phải nộp hơn 725 tỉ đồng vào ngân sách theo hợp đồng mua bán quyền thu phí.
Các bị cáo vào phòng xử án
Bên cạnh đó, bị cáo Đinh La Thăng nói rằng trong suốt quá trình chuyển giao quyền thu phí cao tốc, Bộ GTVT có đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số quy định. Sau đó, Bộ GTVT làm theo chỉ dẫn từ Bộ Tài chính.
Phản bác cáo buộc về mối quan hệ với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Đinh La Thăng yêu cầu đại diện VKSND TP HCM chỉ rõ chứng cứ bị cáo biết Công ty Yên Khánh từ trước, biết công ty này làm ăn thua lỗ…
Đại diện VKSND TP HCM bảo lưu quan điểm truy tố suốt quá trình xét xử.
Trước đó, đại diện VKSND TP HCM đề nghị HÐXX phạt bị cáo Ðinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT), từ 10-11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng tội danh trên, đại diện VKSND TP đưa ra khung hình phạt từ 6-7 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT); từ 3-6 năm tù đối với 5 bị cáo khác (nguyên lãnh đạo, cán bộ cơ quan nhà nước). Ngoài ra, đại diện cơ quan công tố đề nghị HÐXX phạt bị cáo Ðinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng), án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", từ 13-14 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Những bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2-12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".