Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM cho biết: trong thời gian qua trên địa bàn TP HCM hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng "đen" và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng như: bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản thậm chí là giết người...diễn biến phức tạp.
Tín dụng "đen'' hoạt động thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không cần gặp mặt để đối phó với cơ quan công an, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, nổi lên các băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng tại những nơi đông dân cư, chợ, bến tàu, bến xe...
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng (phải) tại buổi tọa đàm. Ảnh: PHẠM DŨNG
"Các nhóm đối tượng chuyên cho vay lãi nặng thường núp bóng doanh nghiệp (công ty, doanh nghiệp tư vấn cho thuê tài chính, công ty, bảo vệ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hành mua bán điện thoại, cho thuê xe) được tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của các đối tượng hình sự, có tiền án, tiền sự, côn đồ, thậm chí một số đối tượng trốn truy nã hoạt động", thiếu tá Trịnh Khánh Hùng thông tin.
Theo thống kê của Công an TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố án trực tiếp phát sinh liên quan hoạt động tín dụng "đen" xảy ra 9 vụ gồm: cưỡng đoạt tài sản (1 vụ), cố ý gây thương tích (3 vụ), bắt giữ người trái pháp luật (2 vụ), hủy hoại tài sản (3 vụ).
Ngoài ra, đã phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự gián tiếp từ 210 vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện đe dọa nguyên nhân do chính họ hoặc người thân của họ có vay tiền nhưng chưa trả.
Có thể khẳng định hoạt động của các băng nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng "đen" dẫn đến nhiều hệ lụy xấu sẽ phát sinh mâu thuẫn, các đối tượng cho vay sẽ trực tiếp thực hiện hoặc thuê mướn số đối tượng giang hồ, cộm cán, công ty có chức năng đòi nợ thuê được Nhà nước cấp phép hoạt động.
Mục đích để thực hiện các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật... nhằm mục đích thu hồi nợ khi người vay không trả được nợ gây bức xúc và bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân.
Các khách mời tham gia tọa đàm
Là một nạn nhân của tín dụng "đen", anh B.V.H. (SN 1977, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM) cho biết gia đình anh đã rơi vào cảnh kiệt quệ, tan cửa nát nhà và sống trong lo âu, hoang mang.
Tham gia buổi tọa đàm, anh H. kể vào tháng 8-2019, vợ anh là chị M.T.T. (SN 1979) chơi số đề và vay 4 tỉ đồng của nhiều người với lãi suất cao. Do những nhóm này gây áp lực nên anh phải bán căn nhà đang ở để trả nợ và thuê lại căn nhà này sinh sống, làm ăn.
Đến ngày 24-12-2020, người vợ bỏ nhà đi nơi khác, anh gọi điện không được. Cùng lúc, nhiều nhóm tín dụng "đen" và những người ghi đề tìm đến đòi nợ. Anh H. nói không vay mượn tiền và yêu cầu những người này đi tìm người mượn tiền mà đòi.
Khuya 27-12-2020, nhà anh H. bị người lạ tạt sơn khiến anh cùng các con hoang mang, sống trong lo sợ. "Vì tín dụng ''đen'' và lô đề mà gia đình tan cửa nát nhà, con cái hoang mang, ảnh hưởng đến việc học, tôi thì mất tinh thần làm việc. Chưa kể, tôi còn lo sợ cho sự an toàn của cả gia đình"- anh H. nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu nhận diện băng nhóm tín dụng "đen"
Sau khi anh H. gửi đơn cầu cứu lần 1 đến cơ quan công an thì một số đối tượng đến nhà anh thách thức: "Ba cái tạt sơn này công an không can thiệp đâu".
"Nhóm này cho người tạt sơn vào nhà tôi lần 2 vào trưa 12-1, một số đối tượng đã chọi đá vào nhà khiến cửa kính bị hư hỏng. Do vợ vay mượn tín dụng ''đen" mà bây giờ nhà tôi tiếp tục bị ném đá, các con hoang mang nên tôi cầu cứu lần thứ hai nhờ công an can thiệp", anh H. nghẹn ngào.
Gia đình anh H. bị tấn công bằng sơn, chọi đá
Chị T.L (SN 1988, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), một người làm kinh doanh cho biết cũng vướng vào tín dụng "đen" và sống khổ sở trong suốt năm qua.
Ban đầu chị làm ăn kinh doanh bình thường, cần vốn cho kinh doanh, vay ở ngân hàng thương mại sau đó được bạn bè, người quen giới thiệu vay vốn bên ngoài.
“Ban đầu vay lãi suất từ 1,5-1,75%/ngày và sau đó lãi mẹ đẻ lãi con. Thậm chí, tôi còn bị các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng giả cách mua bán nhà, chuyển khoản chỉ 600 triệu đồng nhưng trong hợp đồng mua bán nhà photo để tới 3 tỉ đồng. Các đối tượng còn dùng thông tin, hình ảnh của tôi để tố cáo ngược lại cơ quan công an, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân tôi” – chị T.L bức xúc. Do đó, chị kiến nghị cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan công an.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết rất nhiều người nghèo đã âm thầm chịu đựng, mất nhà, mất đất, người vay lo sợ vì số lãi. Có người vay món tiền nhỏ, khi trình báo cơ quan công an, chúng ta giải quyết không rốt ráo, họ lại sợ trả thù.
"Biến tướng cho vay bằng hợp đồng giả cách, cho vay bằng cách mua bán nhà. Những nhóm này ở chung cư cao cấp, thuê nhà riêng biệt, dùng những chiêu trò lách luật đưa nạn nhân vào tròng. Thủ tục vay tín dụng ''đen'' rất đơn giản, nhanh chóng, giấy photo, trong 10-30 phút là giải ngân nhưng lãi suất từ 100-360%/năm tuỳ theo số tiền mượn và nếu không trả thì người vay và gia đình họ không thể sống yên"- luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)