Nhận thức rõ hiểm họa của ma túy và các loại TNXH khác đối với xã hội, nhất là đối với thanh, thiếu niên, Tỉnh đoàn đã chủ động phối hợp các ngành, nhất là lực lượng công an để ngăn ngừa và đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy. Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang phối hợp Ban Giám đốc Công an tỉnh ký kết, ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/2010/NQLT ngày 24-6-2010 giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, các Huyện, Thị, Thành đoàn và công an cùng cấp đều xây dựng, ký kết, triển khai kế hoạch phối hợp, thực hiện nghiêm túc và đạt được kết quả nhất định.
Nhiều thanh thiếu niên bị lực lượng chức năng phát hiện cùng với chất ma túy
Các đơn vị đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội như: Câu lạc bộ (CLB) tuổi 17, CLB tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và TNXH, CLB tuyên truyền pháp luật, CLB nói không với ma túy, CLB sống khỏe, CLB tuổi trẻ với pháp luật, CLB tiền hôn nhân, Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”; Đội tuyên truyền măng non trong trường học...
Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp như: nói chuyện chuyên đề, gặp gỡ người thật việc thật; tổ chức hội nghị tuyên truyền; trình chiếu hình ảnh, video clip về phòng, chống tệ nạn ma túy và tội phạm mua bán người; thi diễn tiểu phẩm với nội dung về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và các TNXH phục vụ ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Tuy nhiên, công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy lứa tuổi thanh, thiếu niên vẫn còn tồn tại hạn chế và khó khăn nhất định. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương, ban, ngành, đoàn thể chưa tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy nên kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do tội phạm tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Campuchia vào địa bàn tỉnh. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương, ban, ngành, đoàn thể vẫn còn coi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy là nhiệm vụ riêng của ngành công an. Vai trò của gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục đạo đức lối sống con em, học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức. Một số trường hợp do bi quan, chán nản trong cuộc sống, kết quả học tập yếu kém; do tiếp nhận các thông tin trên các trang mạng xã hội nên tò mò muốn tìm hiểu cảm giác mạnh từ ma túy… đã đẩy một bộ phận thanh, thiếu niên sa vào con đường nghiện ngập các chất ma túy.
Theo Tỉnh đoàn An Giang, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an và tổ chức Đoàn trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy lứa tuổi thanh, thiếu niên thời gian tới, điều tiên quyết là sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống ma túy.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy ở các ngành, các cấp và tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên.
An Giang hiện có hơn 3.615 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó thanh, thiếu niên là 2.918 người (chiếm 80,72%). Cụ thể, dưới 18 tuổi có 27 người, từ 18 đến dưới 30 tuổi có 2.508 người, từ 30 tuổi đến dưới 35 tuổi có 383 người. Mặc dù lực lượng chức năng liên tục triển khai loại trừ tệ nạn này, nhưng số lượng người sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Đây là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác và ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
AN KHANG - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)