Từ vụ Thơ Nguyễn: Phụ huynh "hoảng hốt" với những trò ma quái

Thứ năm, 11 Tháng 3 2021 18:40 (GMT+7)
Clip "xin vía búp bê học giỏi" của Youtuber Thơ Nguyễn đăng trên TikTok nói về việc cho búp bê uống coca để xin vía học giỏi đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội và nhiều phụ huynh đã kêu gọi tẩy chay.
 
Trong video đăng trên TikTok, Youtuber này ôm con búp bê gọi nó là "Cư Ma Mập" và xưng hô mẹ - con với búp bê này.
 
Nhiều ý kiến cho rằng clip mang đầy tính "mê tín dị đoan", vì quá lo lắng, các bậc cha mẹ đã kêu gọi tẩy chay, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phải lập tức xử lý kênh này. Theo các bậc cha mẹ, đoạn clip có thể khiến trẻ suy nghĩ lệch lạc, bởi theo đoạn clip thì chỉ cần thành tâm cầu xin vía búp bê là chẳng cần học hành gì cũng thành tài.
 
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nghiên cứu sinh, thạc sĩ Tâm lý học Mai Mỹ Hạnh - Phó Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP HCM chia sẻ: Trẻ em chưa đạt được sự thống nhất về cách ứng xử và dễ bị ảnh hưởng, chịu tác động bởi yếu tố môi trường sống. Khi xem những chương trình có nội dung thiếu lành mạnh, các em có thể làm theo mà không ý thức rõ điều mình thực hiện là đúng hay sai.
 
Làm theo các hành vi thiếu lành mạnh lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên thói quen xấu, dần trở thành bản chất, thuộc tính nhân cách. Lúc này, việc uốn nắn và điều chỉnh lại hành vi trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, những hình ảnh thiếu lành mạnh có thể đem lại trạng thái bất an, căng thẳng về tâm lý cho trẻ thơ, có thể dẫn đến sự thiếu tự tin trong ứng xử, thậm chí là các triệu chứng về rối loạn lo âu, tự hủy hoại bản thân, trầm cảm...
 
Từ vụ Thơ Nguyễn: Phụ huynh hoảng hốt với những trò ma quái - Ảnh 1.
Thơ Nguyễn làm clip "Xin vía búp bê học giỏi" gây tranh cãi
 
"Trong việc giáo dục thế hệ trẻ, cần sự phối hợp giữa ba lực lượng: gia đình, nhà trường và xã hội. Phụ huynh cần quan tâm giám sát các hoạt động vui chơi và giải trí để có sự định hướng, tư vấn kịp thời, tránh thả nổi để con xem các chương trình không phù hợp với lứa tuổi ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách.
 
Nhà trường phối hợp với phụ huynh nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của những kênh giải trí thiếu lành mạnh, những chương trình không phù hợp với lứa tuổi và định hướng học sinh vào những hoạt động trải nghiệm có giá trị giáo dục trong thực tiễn. Về mặt xã hội, cơ quan ban ngành liên quan cần có biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm minh những thông tin, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục,tránh lan truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em" - thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh nhấn mạnh.
 
 
Về gốc độ pháp lý, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) khẳng định việc Youtuber Thơ Nguyễn đăng tải nội dung trên đã có dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan. "Đặc biệt hơn nữa, Thơ Nguyễn và trang mạng của cô chuyên về thiếu nhi, với lượng theo dõi và xem gần 1 triệu lượt, tác hại là vô cùng lớn và sâu rộng. Youtuber này đã cổ súy những điều duy tâm không có căn cứ khoa học; tin vào ma quỷ, thánh thần, định mệnh, dẫn đến mất lý trí, hành động trái lẽ thường, gây hậu quả xấu cho các em thiếu nhi, gia đình, xã hội" - luật sư Anh Toàn lên án.
 
Đối với hành vi lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi thì tùy theo tính chất, hậu quả của hành vi và các đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, theo quy định tại điểm a, khoản 2 và khoản 4 Điều 15 Nghị định 158 ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
 
Theo đó phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Ngoài ra, người vi phạm còn khắc phục hậu quả đó là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện các hành vi mê tín dị đoan nói trên.
 
Việc truyền bá mê tín dị đoan có thể xử lý hình sự nếu cơ quan chức năng thu thập đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh. Hiện nay, tội "Hành nghề mê tín dị đoan" theo Khoản 1 Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
 
Theo Khoản 2 Điều 320 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 tội "Hành nghề mê tín dị đoan" sẽ chịu mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm nếu hành vi phạm tội có một trong các trường hợp: Làm chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật