Bên trong kho sách lậu bị cơ quan điều tra phát hiện.
Theo đó, hồi 10 giờ 15 phút cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã triệt phá thành công đường dây tội phạm có tổ chức quy mô lớn chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa tại Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội) để tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt quả tang và đồng loạt triển khai khám xét khẩn cấp tại 19 địa điểm, hai văn phòng công ty, xưởng in, xưởng gia công và 15 kho hàng nằm rải rác trên địa bàn Hà Nội.
Kết quả khám xét bước đầu, cơ quan chức năng đã thu giữ, niêm phong nhiều đồ vật, tài liệu, phương tiện phạm tội của các đối tượng, gồm ba dây chuyền máy in offset bốn mầu và các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách,...
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ hàng triệu cuốn sách sách giáo khoa thành phẩm giả, nhiều phương tiện, sổ sách, chứng từ kế toán liên quan việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giả…
Hiện, các đơn vị chức năng đang tiếp tục phân loại sách giáo khoa giả và các tài liệu, đồ vật đã thu giữ, triệu tập một số đối tượng tổ chức, tham gia sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sách giáo khoa giả để làm rõ hành vi phạm tội.
Được biết, đây là đường dây sản xuất tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay.
Để trông giống như thật, các đối tượng trong đường dây này còn sản xuất luôn cả tem giả. Các đối tượng còn liên kết với nhau theo đường dây từ khâu in ấn, đến đóng gói rồi tiêu thụ nhằm khép kín hoạt động. Mỗi một khâu là một doanh nghiệp điều hành.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, các đối tượng sản xuất sách giáo khoa giả thường dùng thủ đoạn chia nhỏ các khâu, từ khâu in đến khâu gia công, đóng gói, rồi phát hành, tiêu thụ nên việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn.
Đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền bắc, như: Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỷ đồng.
LÊ TÚ - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)