Từ vụ tử tù Nguyễn Kim An: Cần sự phối hợp trong thi hành án tử hình!

Chủ nhật, 18 Tháng 7 2021 20:09 (GMT+7)
Việc phối hợp, vào cuộc của các cơ quan liên quan trong thi hành án tử hình là điều cần thiết và giúp
 
 
Liên quan đến tử tù Nguyễn Kim An (SN 1995, quê Tánh Linh, Bình Thuận) sau 7 năm bị tuyên án tử hình vẫn chưa thi hành án và trốn khỏi trại tạm giam Chí Hòa, Báo Người Lao Động gửi đến bạn đọc ý kiến của Luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật) phân tích những vấn đề liên quan.
 
Đọc bài "Vì sao tử tù nhiều năm chưa thi hành án tử hình?" trên Báo Người Lao Động tôi đồng ý với ý kiến của đồng nghiệp, thấy rất đúng vì cơ sở pháp lý chưa hoàn chỉnh của chế định thi hành án tử hình dẫn đến việc khó khăn trong thực hiện thi hành án.
 
Đồng thời cũng cảm nhận được suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) - vị đại biểu Quốc hội nổi tiếng cứu nhiều trường hợp án tử "Cơm ăn trong miệng còn rơi" thì thấy quả là việc tước đi mạng sống của một con người không hề giản đơn.
Từ vụ tử tù Nguyễn Kim An: Cần sự phối hợp trong thi hành án tử hình! - Ảnh 1.
Tử tù Nguyễn Kim An
 
Chúng ta là con người, động vật cao cấp nhất trong toàn thể sinh vật của thế giới này mà quyết định ấy không hề đơn giản. Ngoài lý do từ quy định pháp luật thì còn nhiều nguyên nhân nữa để người nhận bản án tử hình rồi thì vẫn chưa được thi hành án.
 
Có thể thấy, trừ các trường hợp bị án xin Chủ tịch nước ân giảm hay vụ án đang bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nên chưa đủ thủ tục thi hành án thì việc chưa thi hành án tử còn nhiều lý do rất "khách quan". Lý do ấy là chưa có kinh phí để thi hành án, chưa có thuốc để tiêm…
 
Lúc đó bị án chỉ còn chờ ngày tử thần gọi tên mà cái sự chờ ấy trong mơ hồ về thời gian thì khủng khiếp ra sao. Rõ ràng đè nặng lên tâm trí của bị án sống mà kinh khiếp hơn là chết vì án tử cứ lơ lửng, từng tiếng bước chân vào lúc gần sáng làm giật thột tâm can, chỉ khi bước chân ấy không dừng ở phòng mình thì biết là sống thêm được một ngày nữa. Đã có rất nhiều bị án đã chuyển nhịp sinh hoạt ngày ngủ đêm thức để đón đợi tử thần.
Tôi gọi đó là sự hành hạ tinh thần mà người hành hạ - tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành án, không chủ ý. Kể từ khi việc thi hành án tử hình chuyển từ xử bắn sang tiêm thuốc độc đã thể hiện tính nhân đạo và cả nhân văn của pháp luật, rất đáng biểu dương.
 
Đây là chủ trương đúng đắn theo sự phát triển của loài người mà nước ta không thể đứng ngoài dòng chảy này. Tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề loại thuốc để tiêm và kinh phí để thực hiện một ca thi hành án tử hình với chi phí rất lớn đã làm cản ngại hoạt động này.
 
Tôi được biết, hiện nay tại TP HCM số lượng án tử chờ thi hành đang tồn đọng khá lớn vì các lý do trên là cơ bản. Tất nhiên hệ lụy kéo theo là khó khăn trong quản lý đối tượng này của cơ sở giam giữ. Về phía nhà nước phải tốn kém chi phí cho việc nuôi sống, chăm sóc để bị án được sống an toàn, cơ sở vật chất tương ứng rồi nhân sự quản lý theo dõi.
 
Với hàng trăm trường hợp chỉ ở một địa phương thì đó chuyện không hề nhỏ. Một vấn đề không hề đơn giản là tâm lý của các cán bộ quản lý đội ngũ này không thể nói không bị ảnh hưởng, liên lụy vì sự phản ứng, năng lượng xấu mà họ giải phóng.
 
Vấn đề nan giải này rất cần sự vào cuộc nghiêm túc của bộ phận có trách nhiệm để có thể giải quyết rốt ráo thì đó sẽ là sự nhân đạo và cũng là việc thực thi pháp luật được triệt để. Ấy là sự văn minh cần thiết.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật