Vụ "bác sĩ Khoa": Cần làm rõ "trắng đen" và kịp thời xử lý nghiêm

Thứ hai, 09 Tháng 8 2021 18:14 (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc "bác sĩ Khoa" đang gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội, Sở Y tế TP HCM đã kết luận ban đầu sự việc này là hư cấu.
 
Sau khi thông tin "bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ để cứu sản phụ" được lan truyền trên mạng, nhiều người đã dẫn lại, thêu dệt câu chuyện "cổ tích" đồng thời đính kèm hình ảnh hai cháu bé chào đời để củng cố niềm tin thông tin đưa ra là có thật.
 
Vụ việc đã khiến đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bức xúc vì cho rằng thông tin đưa ra là hư cấu, không đúng một số vấn đề, trong đó có y đức.
 
Về mặt pháp luật, Sở Y tế TP HCM cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ "trắng đen" vụ việc này. 
 
Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2021, tại Việt Nam có hơn 60 triệu người dụng mạng xã hội và trung bình mỗi ngày, người Việt Nam sử dụng khoảng 3 đến 4,5 giờ cho mạng xã hội.
 
Đây cũng là một kênh dùng để quảng bá hình ảnh, tương tác của những nhân vật nổi tiếng với mọi người. Tuy nhiên, việc này cũng có mặt trái, khi những thông tin không chính xác, chưa được xác thực, chưa kiểm chứng và không có nguồn dẫn.
 
Vụ bác sĩ Khoa: Cần làm rõ trắng đen và kịp thời xử lý nghiêm  - Ảnh 1.
Hình ảnh vụ "bác sĩ Khoa" tràn ngập mạng xã hội
 
Có những thông tin cố tình cổ xúy cho việc làm sai, việc xấu. Cũng có những cá nhân, tổ chức không có ý đồ xấu, mà có thể chỉ muốn là những người đưa tin mới nhất, sớm nhất và họ tin rằng với sự ảnh hưởng của mình có thể giúp đưa những thông tin chia sẻ đến với nhiều người hơn, lan tỏa hơn.
 
Thế nhưng việc đưa những thông tin chưa kiểm chứng rất nguy hại, đặc biệt đối với những thông tin chưa chính xác thì có thể phát tán rất nhanh trên diện rộng, có thể tạo ra những hoang mang trong xã hội, về lâu dài gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh. 
 
Việc những cá nhân, tổ chức đưa những thông tin không chính xác, không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm xã hội, mà còn vi phạm quy định của pháp luật và là một trong những điều cấm tại điều 8 Luật An ninh mạng và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP trong lĩnh vực bưu chính viễn thông.
 
Theo đó, mức xử phạt dao động từ 10-30 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Ngoài ra người đưa tin, cung cấp thông tin sai sự thật còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, được quy định tại Điều 288, Bộ Luật hình sự.
 
Điều 288 "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" có  hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
 
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
 
Chính vì thế, mỗi công dân, tổ chức, khi đăng những thông tin lên mạng xã hội cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với thông tin đăng tải, cũng như những ảnh hưởng, tác động của thông tin đó đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội, cũng như tình hình kinh tế- xã hội của đất nước. 
 
Khi xảy ra những vấn đề dịch bệnh, hay những tình huống nghiêm trọng, mỗi công dân cần có trách nhiệm trong chia sẻ thông tin. Đối với những người có sự ảnh hưởng nhất định, việc đưa thông tin càng phải có trách nhiệm nhiều hơn. Vì họ có lượng người theo dõi nhiều nên việc phát tán thông tin rất nhanh và rất rộng. Việc đưa thông tin cần phải có sự kiểm chứng, kiểm tra chéo những nguồn thông tin. 
 
Ngoài ra, mỗi người trong chúng ta, khi sử dụng mạng xã hội nên nghĩ xa hơn về hướng tác động của mỗi thông tin mình đưa: Có thể mang lại những hậu quả gì, gây ra những hệ lụy gì? Liệu nó có thể là gây hoang mang hơn hay có thể làm nguy hại cho một nhóm xã hội nào đó, gây ảnh hưởng, kỳ thị đến một nhóm trong xã hội và có thể ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.
 
Tôi nghĩ rằng Công an TP HCM cần phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ vụ "bác sĩ Khoa". Đồng thời, xử lý thật nghiêm nếu có người cố tình tạo ra những tin tức giả mạo, không đúng sự thật nhằm góp phần ổn định trật tự trên mạng xã hội.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật