Chứng kiến hàng loạt thiết bị y tế hiện đại được đầu tư tiền tỉ nhưng không thể hoạt động, các bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đều tỏ ra tiếc nuối. Nhiều người biết chuyện này cũng rất bức xúc.
Tiền tỉ… nằm kho
Đầu tiên phải kể đến là "Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng công nghệ vi sóng kết hợp hơi nước bão hòa" được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đầu tư với giá 5,3 tỉ đồng, do Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế TP HCM lắp đặt từ năm 2011, giao cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn quản lý.
Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế được đầu tư tới 5,3 tỉ đồng nhưng nằm trong kho của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới từ hơn 8 năm nay
Một bác sĩ đang công tác tại đây cho biết dù được đầu tư với số tiền lớn nhưng không hiểu sao "Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế" chỉ sử dụng chừng 1-2 năm thì ngưng hoạt động. Từ đó đến nay, thiết bị hiện đại này "đắp chiếu" trong Phòng xử lý chất thải rắn y tế và chờ thanh lý.
"Máy siêu âm đàn hồi mô" hiện được đặt tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cũng tương tự. Tháng 12-2019, ông Dương Thanh Bình, giám đốc bệnh viện, đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (Hà Nội) để mua, lắp đặt thiết bị này với giá gần 5,6 tỉ đồng.
Máy siêu âm đàn hồi mô được mua tiền tỉ nhưng hầu như không được sử dụng
Máy nguyên chiếc có xuất xứ từ Hàn Quốc, gồm máy chính và các phụ kiện tiêu chuẩn. Theo 1 bác sĩ, sau 2 năm được lắp đặt tại khoa, "Máy siêu âm đàn hồi mô" hầu như không sử dụng vì hiệu quả không hơn máy siêu âm tổng quát khác, lại thiếu an toàn.
"Chúng tôi không hiểu tại sao lãnh đạo bệnh viện lại chọn công nghệ lạc hậu, thiếu an toàn nhưng giá lại rất cao như vậy. Nếu dùng số tiền 5,6 tỉ đồng thì có thể mua được 4 máy siêu âm tổng quát khác có chất lượng tốt, hình ảnh tốt hơn. Trong khi đó, các khoa khác như: Hồi sức tích cực, Sản, Nội tiêu hóa… đang cần máy siêu âm nhưng lại không có" - bác sĩ này tiếc nuối.
Máy nhuộm hóa mô miễn dịch tại Khoa Giải phẫu "đắp chiếu" vì ngưng hoạt động 4 năm nay
Một trong những "công nghệ hiện đại" của bệnh viện này cũng đang "đắp chiếu" là "Máy nhuộm hóa mô miễn dịch tự động" đặt tại Khoa Giải phẫu. Máy được đầu tư với giá gần 2,1 tỉ đồng từ năm 2017, cũng do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc bao trọn gói. Song, máy ngưng hoạt động từ khi mới lắp đặt, do lượng hóa chất đi kèm không đầy đủ.
Ngoài ra, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, nhiều loại máy móc, thiết bị y tế khác được đầu tư số tiền lớn lắp đặt nhưng hầu hết không sử dụng. Máy chẩn đoán xơ vữa động mạch được mua từ năm 2012, giá 394 triệu đồng, đang nằm "đắp chiếu" tại Khoa Đơn nguyên điều trị theo yêu cầu.
Máy nội soi tiêu hóa mua năm 2009 với giá gần 950 triệu đồng, được đặt tại Khoa Thăm dò chức năng; kể từ khi được mua về thì liên tục bị hỏng hóc, phải mất rất nhiều tiền để sửa chữa nhưng hoạt động kém hiệu quả vì quá lạc hậu…
Cái cần không mua, máy mua thì… không cần!
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, trong nhiều năm qua, có rất nhiều khoa đề xuất lên ban lãnh đạo để mua sắm các loại máy móc, thiết bị y tế cấp thiết phục vụ bệnh nhân nhưng không được đáp ứng. Có khoa thậm chí đề xuất 10 năm nay nhưng lãnh đạo bệnh viện "lãng quên". Trong khi đó, bệnh viện lại chủ trương đầu tư nhiều thiết bị tiền tỉ nhưng không hoạt động, gây lãng phí nhiều tỉ đồng.
Bác sĩ Phan Xuân Khôi, nguyên Trưởng Khoa Sản của bệnh viện, cho biết khoa đề xuất mua máy Monitor để theo giỏi sản phụ chuyển dạ, máy siêu âm tại phòng đẻ…đã 10 năm nay. Đây là một loại máy trong danh mục cấp thiết, cần phải có để phục vụ bệnh nhân nhưng không hiểu lý do vì sao bệnh viện không đáp ứng.
Máy nội soi tiêu hóa từ khi được mua về thường xuyên bị hỏng hỏng, phải tốn nhiều kinh phí để sửa chữa
Trong khi đó, ông Dương Thanh Bình lại có chủ trương ký hợp đồng để mua các loại máy, như: Hai máy thở không xâm nhập (năm 2016) để phục vụ cho Khoa Hồi sức tích cực với giá 1,5 tỉ đồng nhưng không sử dụng. Để tránh lãng phí, bệnh viện đã chuyển cho Khoa Nội C nhưng cũng ngưng hoạt động; khiến nhiều cán bộ, bác sĩ rất bất bình.
Theo tìm hiểu, hầu hết các thiết bị y tế, máy móc mà bệnh viện này đầu tư mua sắm chủ yếu trích từ nguồn vốn ngân sách và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của bệnh viện. Còn lại, một số thiết bị khác từ nguồn chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế do Liên minh Châu Âu (EU) viện trợ…
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, 1 lãnh đạo Khối Hậu cần thuộc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới xác nhận tình trạng các thiết bị y tế, máy móc "đắp chiếu" nói trên. Vị này cho rằng sở dĩ một số cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại đơn vị không hoạt động, hoạt động không hiệu quả là do thời điểm đầu tư, lãnh đạo bệnh viện đã chủ quan trong việc mua sắm, thiếu bàn bạc kỹ lưỡng nên mới dẫn đến lãng phí tiền tỉ như vậy.
Nhiều bác sĩ còn đặt nghi vấn một số trang thiết bị y tế tại bệnh viện này có dấu hiệu "treo đầu dê bán thịt chó" khi vỏ máy có thể xuất xứ châu Âu nhưng ruột lại của Trung Quốc. Theo họ, Bộ Y tế cần cử đoàn vào thanh tra, kiểm tra lại công tác đấu thầu, mua sắm, bảo trì… trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới thời gian qua.
Giám đốc bệnh viện được xem xét bổ nhiệm liên tiếp... 4 nhiệm kỳ?
Báo Người Lao Động Online mới đây đã phản ánh về việc ông Dương Thanh Bình (SN 1966), Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, sau khi "ngồi" 3 nhiệm kỳ giám đốc liên tiếp với thời hạn gần 15 năm, nay Bộ Y tế xem xét để bổ nhiệm lại lần 4, khiến dư luận băn khoăn.
Cụ thể, mới đây (ngày 15-9), Bộ Y tế có văn bản về việc thực hiện quy trình xem xét bổ nhiệm lại, đề nghị bệnh viện thực hiện quy trình xem xét bổ nhiệm lại đối với ông Dương Thanh Bình. Văn bản do ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, ký.
Đáng chú ý, ngoài việc "ngồi" liên tiếp 3 nhiệm kỳ, trên cương vị giám đốc bệnh viện trong gần 15 năm nay, ông Dương Thanh Bình bị "tố" đã ưu ái, tuyển dụng, bổ nhiệm nhiều con cháu, người nhà thân thích vào làm việc tại bệnh viện này có nhiều khuất tất, thiếu minh bạch. Việc này Báo Người Lao Động Online từng có bài viết phản ánh vào năm 2018.
Ngoài ra, nhiều bác sĩ, cán bộ của bệnh viện này còn cho rằng với vai trò là giám đốc, người đứng đầu cơ quan nhưng ông Dương Thanh Bình có biểu hiện "chuyên quyền - độc đoán" khi tự quyết định mọi vấn đề lớn nhỏ của bệnh viện. Dù cấp dưới nhiều lần bày tỏ ý kiến nhưng ông Bình đều bỏ ngoài tai.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)