Vụ án Alibaba: Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị án chung thân

Thứ hai, 19 Tháng 12 2022 18:40 (GMT+7)
Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thái Luyện án chung thân.
 
Sáng 19/12, TAND TP.HCM tiếp tục đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba – Công ty Alibaba) cùng 22 bị cáo khác bị truy tố các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền.
 
Các bị cáo bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền theo khoản 4, Điều 174, khoản 3, Điều 324 của Bộ luật hình sự năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2017.
 
Phiên toà tiếp tục với phần luận tội của đại diện Viện Kiểm soát nhân dân (KSND) TP.HCM.
 
Theo đại diện Viện KSND TP.HCM, bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã vi phạm pháp luật, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe.
 
 
Vụ án Alibaba: Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị án chung thân 1
Các bị cáo trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (phải).
 
Sau khi trình bày bản luận tội đại diện Viện KSND đã đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chung tội danh này các bị cáo khác đều bị đề nghị mức án từ 12 - 20 năm tù.
 
Vợ của Luyện là bị cáo Võ Thị Thanh Mai bị đề nghị tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12-14 năm tù về tội rửa tiền. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
 
Em trai Luyện là Nguyễn Thái Lực bị đề nghị 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 10 - 12 năm tù về tội rửa tiền.
Bị truy tố chung về tội rửa tiền, bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị 5 - 6 năm tù.
 
Về trách nhiệm dân sự, Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên buộc Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai có trách nhiệm trả cho 4.550 bị hại với hơn 2.400 tỷ đồng. Buộc Võ Thị Thanh Mai nộp lại 13 tỷ đồng đã thu lợi bất chính.
Theo cáo trạng, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, Luyện thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.
 
Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên đất nông nghiệp đặc biệt lớn, quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng thủ đoạn trên, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng.
 
Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tương đương số tiền hơn 2.100 tỷ đồng bị chiếm đoạt.
 
Hiện phiên tòa vẫn đang tiếp tục và dự kiến kéo dài đến 6/1/2023.
 
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật