Gây thất thoát tiền tỉ, chủ tịch huyện nhận án treo

Thứ bảy, 18 Tháng 2 2023 12:11 (GMT+7)
Dàn lãnh đạo, cán bộ huyện biết là trái pháp luật, vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát gần 2 tỉ đồng, nhưng chủ tịch huyện chỉ bị phạt tù treo.
 
TAND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vừa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý đất đai" đối với nhiều người nguyên là lãnh đạo, cán bộ tại huyện, trong đó có ông Đoàn Ngọc Thắng, nguyên Chủ tịch huyện này.
 
Giao đất trái luật
Theo bản án, từ tháng 2-2017 đến tháng 10-2018, khi làm Chủ tịch và phó chủ tịch huyện Đăk Hà, ông Đoàn Ngọc Thắng và ông Hoàng Nghĩa Trí giao nhiệm vụ tạo vốn từ quỹ đất cho Phòng TN-MT thực hiện. Ông Nguyễn Cao Yến, Trưởng phòng TN-MT chỉ đạo cho chuyên viên Ninh Thành Luân thực hiện.
 
Khi triển khai, ông Luân đã phát hiện việc áp dụng các căn cứ để giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không thông qua đấu giá là trái luật và báo cho ông Yến. Ông Yến báo cáo cho lãnh đạo huyện thì ông Trí đã chỉ đạo phải tiếp tục thực hiện giao đất không thông qua đấu giá.
 
Gây thất thoát tiền tỉ, chủ tịch huyện nhận án treo - Ảnh 1.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
 
Từ đó, ông Yến lập hồ sơ, tham mưu để ông Thắng và ông Trí ký quyết định giao 81 thửa đất không thông qua đấu giá cho 51 trường hợp, tổng diện tích gần 26.000 m2, gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng.
 
Qua xem xét hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, TAND huyện Đăk Hà tuyên phạt ông Trí 30 tháng tù giam; ông Luân 22 tháng tù giam; riêng 2 ông Thắng và Yến cùng 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo buộc phải bồi thường gần 2 tỉ đồng thiệt hại. 
 
Không công bằng
Sau khi bản án được công bố, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ninh Thành Luân cho rằng bản án trên không công bằng, bất công với mình. Bản thân ông Luân là người phát hiện sai phạm, báo cấp trên biết.
 
Sau khi biết, các lãnh đạo vẫn chỉ đạo thực hiện. Thế nhưng ông lại chịu mức án tù cao hơn người đã chỉ đạo làm sai là không công bằng. "Tôi chỉ là nhân viên hợp đồng, cấp trên chỉ đạo thì phải làm theo, nếu không làm sẽ bị đuổi việc. Tòa xử thế này tôi mất niềm tin vào pháp luật" - ông Luân nói.
 
Một luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum cho rằng bản án có nhiều điểm không hợp lý. Trong vụ việc này, các bị cáo biết sai phạm nhưng vẫn cố làm, cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Các cơ quan tố tụng chưa làm rõ động cơ thực hiện hành vi phạm tội đến cùng này.
 
Tòa cũng áp dụng tình tiết giảm nhẹ không công bằng khi ông Thắng nộp 50 triệu khắc phục thì được áp dụng tình tiết khắc phục hậu quả, ông Trí nộp 20 triệu thì được xem là "không đáng kể".
 
Trong vụ án này, ông Thắng là chủ mưu và là người biết rõ là trái pháp luật nhưng vẫn chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện nhưng bị xử án tù treo là không phù hợp. Riêng ông Luân chỉ là người làm theo sự chỉ đạo của ba bị cáo còn lại. Thậm chí ông Luân là người phát hiện sai đầu tiên và có báo cáo ngay từ đầu nhưng bị xử nặng hơn là không phù hợp. Để xét trách nhiệm pháp lý thì ông Thắng phải cao nhất, sau đó lần lượt đến ông Trí, ông Yến, cuối cùng là ông Luân.
 
Hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội: " Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 219 Bộ Luật Hình sự. Với thiệt hại gần 2 tỉ đồng thì thì khung hình phạt tội này từ 10 đến 20 năm tù.
 
Bà Đỗ Thị Kim Thư, Chánh án TAND tỉnh Kon Tum, cho rằng bản án nhẹ hay nặng là do HĐXX căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Ngoài ra còn căn cứ vào nhân thân, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ để đưa ra một mức án phù hợp với từng bị cáo. "Làm sao để bản án vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính khoan hồng của pháp luật với những trường hợp ăn năn, hối cải. Trước mắt việc xét xử vụ án này không có dấu hiệu của tiêu cực" - bà Thư nói.
 
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật