Có thể kiện nếu bất bình chuyện thu hồi đất?

Thứ bảy, 18 Tháng 2 2023 17:17 (GMT+7)
Theo các chuyên gia, Nhà nước cần làm rõ mục đích, tiêu chí trong trường hợp thu hồi đất, tránh tình trạng lợi dụng giải tỏa mặt bằng để làm mục đích khác.
 
Ngày 17-2, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 
 
Có thể kiện nếu bất bình chuyện thu hồi đất? - Ảnh 1.
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức ngày 17-2.
 
Tham gia tuyên truyền pháp luật đất đai từ năm 1980 tới nay, từ trải nghiệm thực tế và bức xúc của người dân, bà Hoàng Thị Lợi, Phó Ban tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ quận 1, kiến nghị về vấn đề thu hồi đất.
 
Theo bà Hoàng Thị Lợi, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại điều 78 của dự thảo. Đây là vấn đề lâu nay người dân quan tâm và lo lắng vì không biết khi nào đất nơi mình ở bị thu hồi.
 
Thực tế vừa qua một số nơi thu hồi nhà đất của dân sau đó lại giao cho nhà đầu tư xây chung cư cao cấp, xây biệt thự bán giá cao chứ không liên quan gì đến lợi ích quốc gia, công cộng. Vì vậy nếu việc thu hồi, sử dụng đất đúng theo quy định của luật, người dân sẽ tin tưởng chấp hành di dời, không mất công vận động, kiểm đếm rồi cưỡng chế.
 
Thực tế, khi thực hiện các dự án tại quận 1 như trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, công tác vận động người dân di dời vô cùng khó khăn.

"Người dân chỉ thắc mắc nếu vì lợi ích thương mại thì chủ đầu tư thương lượng với chúng tôi nhưng thành phố vận động di dời. Như bây giờ chúng ta biết là các dự án đó có vì lợi ích công cộng hay không?" – bà Hoàng Thị Lợi nói.
 
Có thể kiện nếu bất bình chuyện thu hồi đất? - Ảnh 2.
Bà Hoàng Thị Lợi, Phó Ban tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ quận 1, quan tâm đến vấn đề thu hồi đất.
 
Từ đó, bà Hoàng Thị Lợi kiến nghị khi thu hồi đất vì lợi ích công cộng phải làm cho rõ, mặt trận cùng các đoàn thể khác giám sát thật chặt, không để xảy ra trường hợp lợi dụng giải tỏa lấy mặt bằng khu trung tâm làm lợi ích khác.  
Ngoài ra, bà Hoàng Thị Lợi cũng băn khoăn về quy định giao cho xã tổ chức họp dân để phổ biến và tiếp thu ý kiến rồi phối hợp kiểm đếm để thu hồi. Nếu người bị thu hồi không đồng ý thì vận động, thuyết phục và khi không đồng ý thì cưỡng chế mà không có quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của người dân.
 
"Chúng ta nên thêm phần tiếp nhận ý kiến khiếu nại và giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật. Chúng ta có luật khiếu nại rồi, trường hợp nào khiếu nại đúng thì giải quyết, khiếu nại sai có văn bản trả lời, nếu không đồng ý kết quả khiếu nại thì còn kiện ra toà án" – bà Hoàng Thị Lợi kiến nghị.
 
Có thể kiện nếu bất bình chuyện thu hồi đất? - Ảnh 3.
Bà Trần Thị Như Phương, thành viên hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ TP HCM, đề nghị có quy định đồng bộ về các tiêu chí khi thu hồi đất.
 
Bổ sung thêm, bà Trần Thị Như Phương, thành viên hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng dự án, công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, nhà ở thương mại.
 
Do đó, bà Phương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản cho đồng bộ về các tiêu chí và các trường hợp được thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai, bởi hiện nay thị trường kinh doanh bất động sản đang có xu hướng biến đổi mạnh với sự phát sinh của nhiều dự án phức hợp, kết hợp nhiều loại hình kinh doanh bất động sản trong cùng một dự án.
 
Trong khi đó, theo Hội Luật gia TP HCM, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết Nhà nước phải tiến hành thu hồi đất.
 
Theo Hội Luật gia TP HCM, thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
 
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật