Ngày 13-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn thành kết luận điều tra bổ sung, giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố bị can Nguyễn Đức Chung cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị can Nguyễn Đức Chung hầu tòa trong vụ án khác
Hồi cuối tháng 3-2023, bị can Chung bị đề nghị truy tố tội danh này song Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung và làm rõ động cơ vụ lợi của cựu chủ tịch Hà Nội khi thực hiện dự án trồng cây xanh.
Cùng vụ án, Cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố 14 bị can khác, trong đó: Nguyễn Xuân Hanh, cựu tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội; Đỗ Quang Tiến, cựu giám đốc Xí nghiệp Cây xanh cây hoa cây cảnh, và nhiều cán bộ thuộc Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội về 4 tội: "Buôn lậu; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo kết luận điều tra bổ sung, việc trồng mới, thay thế, bổ sung cây xanh ở Hà Nội được thực hiện trong nhiều năm. Từ năm 2016, bị can Nguyễn Đức Chung yêu cầu tạm dừng việc đấu thầu tại các quận, huyện và thu gọn đầu mối về Sở Xây dựng để thực hiện.
Tại các cuộc họp sau đó, bị can Chung chỉ đạo, áp đặt, buộc cấp dưới áp dụng hình thức đặt hàng Công ty Sinh Thái Xanh, trong khi có thể đấu thầu. Công ty Sinh Thái Xanh mới thành lập từ năm 2016, không có đủ năng lực để được đặt hàng nhưng lại có mối quan hệ thân thiết với bị can Chung. Giám đốc công ty này là Bùi Văn Mận, một người đang trốn nợ ở Lâm Đồng, được ông Chung gọi ra để ra Hà Nội làm cây, cơ quan điều tra nêu.
Qua các chỉ đạo của bị can Nguyễn Đức Chung, từ 2016 đến 2019, Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng đặt hàng trực tiếp với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh) và Công ty Sinh Thái Xanh.
Ban Duy tu đã đặt hàng Công ty Cây xanh 10 hợp đồng trị giá hơn 241 tỉ đồng; Công ty Sinh Thái Xanh 6 hợp đồng, hơn 43 tỉ đồng
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhóm cán bộ Ban Duy tu và người đứng đầu hai doanh nghiệp này đã bắt tay nâng khống giá, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 34 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng đã tổ chức đối chất giữa bị can Chung với bị can Bùi Văn Mận. Từ đây, kết luận điều tra bổ sung không thay đổi nội dung so với bản trước đó. Theo đó, sau khi được Hà Nội đặt hàng, Công ty Cây xanh Hà Nội đã thông đồng nâng khống giá cây xanh để hưởng lợi 17 tỉ đồng.
Bị can Vũ Kiên Trung, cựu chủ tịch Công ty Cây xanh, khai vào các dịp lễ, Tết từ 2016 đến 2018 đã nhiều lần đưa cho bị can Nguyễn Đức Chung 2,6 tỉ đồng để cảm ơn đã tạo điều kiện và chỉ đạo Sở, ngành Hà Nội đặt hàng công ty.
Ngoài bị can Trung, bị can Bùi Văn Mận cũng khai đã chi 1,2 tỉ đồng trồng cây tại Trường Mầm non Yển Khê (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) để bị can Chung dùng tư cách cá nhân tài trợ và chi 140 triệu đồng trồng cây cho nhà bố mẹ đẻ cựu chủ tịch Hà Nội ở Phú Thọ; 240 triệu đồng trồng cây tại nhà thờ chú họ bị can Chung ở Hải Dương. Mận khai toàn bộ nguồn tiền đưa đi trồng cây cho ông Chung đều có được từ việc nâng khống giá cây.
Tuy nhiên, bị can Chung phản bác các lời khai trên, cho rằng không nhận bất kỳ khoản tiền nào của Trung. Việc Mận trồng cây tại các địa điểm như trên, ông và một số người khác cũng đã thanh toán đầy đủ.
Cơ quan điều tra đánh giá bị can Chung khi làm Chủ tịch TP Hà Nội đã không đảm bảo tính công minh, liêm chính, vì động cơ cá nhân đã chỉ đạo cấp dưới làm sai. Nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, bị can "ra văn bản một đằng, chỉ đạo miệng một nẻo".
Đây là vụ án thứ 4 ông Nguyễn Đức Chung bị xử lý. Cựu chủ tịch Hà Nội đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án: "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" liên quan vụ án Nhật Cường, sai phạm mua sắm chế phẩm Redoxy-3C, can thiệp đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.