Xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”: Doanh nghiệp khai “bị ép phải đưa hối lộ”.

Thứ tư, 12 Tháng 7 2023 18:21 (GMT+7)
Tại phiên tòa, bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty Vijasun, cho biết nếu không đưa tiền sẽ bị gây khó khăn trong việc cấp phép "chuyến bay giải cứu"
 
Ngày 11-7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng một tháng, do thẩm phán Nguyễn Quang Huy làm chủ tọa.
 
Vòi tiền từng chuyến
Trong số những bị cáo bị xét xử trong phiên tòa này, 25 người được cơ quan tố tụng xác định đã nhận hối lộ gần 167 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỉ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỉ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản 24,5 tỉ đồng.
 
Là người bị thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty Vijasun, nhiều lần khẳng định nếu không đưa tiền "bôi trơn" sẽ bị gây khó khăn trong việc xin cấp phép "chuyến bay giải cứu". Doanh nghiệp của Dương được cấp phép 17 chuyến bay và đã tổ chức 22 chuyến bay, do có đợt bay phải tách làm 2 chuyến. Thời gian đầu nộp hồ sơ cấp phép tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, nhiều lần cục trưởng khi đó là bà Nguyễn Thị Hương Lan yêu cầu phải chi tiền. Do không đưa tiền nên doanh nghiệp thường xuyên bị làm khó.
 
"Bị cáo từng bị Cục Lãnh sự và Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát một ngày mới cấp phép. Do đó, doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn cùng cực" - Dương khai.
 
Đào Minh Dương cho biết khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê máy bay. Tiếp đó, doanh nghiệp phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 tỉ đến 9 tỉ đồng. "Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay, nay mới biết mình được về là hành hạ họ. Cục Lãnh sự lúc ấy không bảo hộ công dân mà là hành dân" - Dương nhận xét.
 
Về lý do đưa tiền hối lộ, Đào Minh Dương cho biết đã bị Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Xuất Nhập cảnh - Bộ Công an, và Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, ép phải đưa. "Khi gặp ở Bộ Y tế, Kiên quát, bảo "các anh làm ăn phải nộp mỗi người mấy triệu đồng". Kiên nói "tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến"" - Dương khai nhận.
 
Theo Dương, khi bị cáo gặp Vũ Anh Tuấn thì Tuấn nói: "Em không cần tiền của các anh nhưng các anh không đưa để em đưa sếp thì chuyến bay không được duyệt". Qua đó, Tuấn cũng đòi 150 triệu đồng/chuyến bay. Sau đó, Dương bị yêu cầu đưa 3 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn để được cấp phép 17 chuyến bay. Tuy nhiên, trên thực tế, Dương mới chỉ đưa Kiên 1,1 tỉ đồng, Tuấn 1,6 tỉ đồng.
 
Xét xử vụ án Chuyến bay giải cứu: Doanh nghiệp khai bị ép phải đưa hối lộ - Ảnh 2.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11-7 Ảnh: Hùng Anh
 
Tham khảo giá bên ngoài
Theo Đào Minh Dương, trong một lần tổ chức "chuyến bay giải cứu" đưa người dân đang mắc kẹt tại Angola về nước, Dương đã tìm đến ông Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola) nhờ giúp đỡ. Ông Minh đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục cất, hạ cánh tại Angola, mỗi vé bay phải nộp cho đại sứ 3 triệu đồng. Sau đó, công ty của Dương đã tổ chức chuyến bay đưa 298 công dân về nước và đưa cho ông Minh hơn 800 triệu đồng.
 
Sau lời khai của Đào Minh Dương, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G 19 Việt Nam, cho biết trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, bà đã đưa tiền cho một số người ở Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và Cục Xuất Nhập cảnh. Bà đã liên lạc với Lê Dũng - khi đó là Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, là chỗ thân thiết - để nhờ đưa tiền.
 
"Cá nhân bị cáo không bị gây khó dễ, mọi người giúp, ủng hộ; người bên Bộ Ngoại giao không có ai yêu cầu và từ chối quà. Sau khi tham khảo bên ngoài, bị cáo liên lạc với Nguyễn Thị Hương Lan, Nguyễn Hoàng Tùng để mong đưa quà cảm ơn tới mọi người" - Hạnh kể lại.
 
Theo bị cáo này, bà ta đã đưa tiền cho Phạm Trung Kiên 1,2 tỉ đồng, Tô Anh Dũng (thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 400 triệu đồng…; đưa Đỗ Hoàng Tùng, cựu Cục phó Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự và Lưu Tuấn Dũng, cựu Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân - Bộ Ngoại giao, mỗi người 40 triệu đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Xuất Nhập cảnh, 1,4 tỉ đồng. Sau khi bị phát hiện, Kiên đã trả lại cho Hạnh 400 triệu đồng. 
 
Chỉ nhận thức là "quà cảm ơn"
Tại phiên tòa, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết để được cấp phép chuyến bay, cách ly tại các địa phương đã phải "bôi trơn" cho một số cá nhân tại Bộ Y tế, Cục Xuất Nhập cảnh, Bộ Ngoại giao... Nhiều bị cáo cho rằng thời điểm đó chưa nhận thức được việc đưa tiền là hối lộ mà chỉ là quà "cảm ơn" vì đã giúp đỡ doanh nghiệp. Khi cơ quan điều tra vào làm việc, họ "mới biết đã vi phạm pháp luật".
 
Hôm nay, 12-7, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
 
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật