Đủ cơ sở pháp lý để xử lý ông Nguyễn Minh Phúc

Thứ bảy, 29 Tháng 7 2023 10:15 (GMT+7)
Cần vào cuộc làm rõ hành vi giả tu sĩ Phật giáo của ông Nguyễn Minh Phúc đồng thời xem xét xử lý các Youtuber, TikToker vì đã ghi hình, đăng tải trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
 
Văn phòng UBND TP HCM vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu để các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ về ông Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) trong vụ "nhà sư vào quán nhậu".
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp Ban Tôn giáo thành phố, UBND huyện Củ Chi cùng các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nhân thân người có tên Nguyễn Minh Phúc nêu trên và các thông tin mà báo chí đã đăng tải. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì tiến hành xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND thành phố.
 
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP HCM, cũng đã khẳng định: "Ông Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là "Đại đức Thích Tâm Phúc" không phải là tu sĩ Phật giáo". Ngoài ra, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP HCM cho biết các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cũng được cơ quan chức năng khẳng định là do ông Phúc tự làm giả.
 
Đủ cơ sở pháp lý để xử lý ông Nguyễn Minh Phúc - Ảnh 1.
Cảnh ông Phúc ăn thịt được các Youtuber đăng tải lên mạng xã hội
 
Ông Nguyễn Minh Phúc đã làm dậy sóng cộng động mạng trong thời gian qua nhưng các cơ quan chức năng chưa giải quyết triệt để. Những phát ngôn và hành động của ông Nguyễn Minh Phúc đã làm náo động cộng đồng Phật giáo và các YouTuber khai thác triệt để nhằm "câu view" để thu lợi bất chính.
 
Những hành vi đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Phật giáo, người tu hành; nên các cơ quan chức năng cần phải xử lý ông này thật nghiêm. Chỉ riêng các giấy tờ mà ông Nguyễn Minh Phúc làm giả thì các cơ quan chức năng đã có thể khởi tố tội "Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu ông Phúc giả mạo tu sĩ hoặc dùng các tài liệu giả mạo để lừa đảo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015"..
 
Ngoài ra, hành vi của ông Phúc có thể bị xử lý hành chính như sau:
 
Hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo Điểm a Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022).
 
Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
 
Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng...
 
Bên cạnh việc xác minh, xử lý nghiêm ông Nguyễn Minh Phúc thì các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ việc tụ tập đông người tại nhà ông Phúc của các Youtuber, TikToker để ghi hình, đăng lên mạng, thậm chí ghi hình ông Phúc xúc phạm một số cá nhân khác...
 
Nếu hành vi của các Youtuber, TikToker có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng thì cũng cần xử lý. Bởi lẽ, hằng này có hằng trăm clip được các Youtuber ghi hình đăng lên nhiều nền tảng khiến hình ảnh Phật giáo bị méo mó, ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
 
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật