Với nồng độ cồn 0,751 mg/l khí thở, tài xế Mercedes tông chết 2 phụ nữ đã mất kiểm soát thế nào?

Thứ sáu, 03 Tháng 5 2019 16:07 (GMT+7)
Nồng độ cồn của tài xế Lê Trung Hiếu điều khiển xe Mercedes tông 2 phụ nữ tử vong lên tới 0,751 mg/l khí thở, trong khi chỉ cần nồng độ 0,2 mg/lít khí thở, người uống đã dễ giận dữ, đi lại loạng choạng và có thể không thể tự chủ được hành vi nếu nồng độ cao hơn

Với nồng độ cồn 0,751 mg/l khí thở, tài xế Mercedes tông chết 2 phụ nữ đã mất kiểm soát thế nào? - Ảnh 1.

Quy đổi các loại rượu bia ra 14 đơn vị theo hướng dẫn của thế giới - Ảnh: Cục Y tế dự phòng

Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông do tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia thời gian qua khiến nhiều người bị ám ảnh, dư luận dậy sóng. Theo bác sĩ Trần Quốc Bảo, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không có một tiêu chuẩn chung về việc uống bao nhiêu là có hại, bởi nguy cơ do uống rượu, bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu, bia. Điều này có nghĩa là không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết chỉ cần nồng độ vượt ngưỡng 50 mg/dl, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tăng gấp 40 lần. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê ngưỡng uống rượu, bia an toàn với 1 người đàn ông là dưới 2 đơn vị cồn một ngày, phụ nữ là dưới 1 đơn vị (một đơn vị rượu tương đương 10 gam cồn nguyên chất, hoặc 425 ml bia hơi, 285 ml bia lon 5% độ, 120 ml rượu vang, 60 ml rượu 20 độ, 30 ml rượu 40 độ...).

Với nồng độ cồn 0,751 mg/l khí thở, tài xế Mercedes tông chết 2 phụ nữ đã mất kiểm soát thế nào? - Ảnh 2.

Tài xế Lê Trung Hiếu điều khiển chiếc xe Mercedes gây tai nạn khiến 2 người phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên, Hà Nội

Theo tiêu chuẩn của WHO, lượng rượu, bia sử dụng tương ứng với nồng độ cồn sinh ra trong cơ thể người được xác định như sau: Một đơn vị uống chuẩn chứa 10 g cồn. 1 đơn vị này tương đương 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml); 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); 1 cốc bia hơi (330 ml); 2/3 chai (lon) bia (330 ml). "Như vậy, với một người bình thường (có cân nặng 54 kg), uống 2 chén rượu nhỏ tương đương với 2 đơn vị cồn thì nồng độ cồn trong máu đã vượt ngưỡng 50 mg/dl máu, với người có cân nặng thấp hơn hoặc cao hơn thì tỉ lệ cồn trong máu cũng có sự khác biệt. Nam nữ cơ thể sinh lý giống nhau nhưng nữ thường có ngưỡng say thấp hơn. Có người uống một ly đã say, có người uống mãi chưa say"- bác sĩ Bảo nói.

Một chuyên gia y tế phân tích khi nồng độ cồn đạt 0,8 g/lít máu, thị giác giảm 25%, phản xạ giảm 25% - 30%. Nếu tham gia giao thông, phản xạ phanh (thắng) xe sẽ không còn chuẩn xác. Khi nồng độ cồn lên 2,5 g/lít máu thì thị lực, phản xạ giảm mạnh. Lúc này, người lờ đờ, nói lè nhè, mất kiểm soát hành vi… Biểu hiện thường gặp khi uống bia, rượu quá nhiều là hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại, khó kiềm chế cảm xúc, dễ bùng nổ, xung đột với mọi người, kích động, ảo giác xúc giác, ảo thị, suy giảm trí nhớ, mất trí...

Với nồng độ cồn 0,751 mg/l khí thở, tài xế Mercedes tông chết 2 phụ nữ đã mất kiểm soát thế nào? - Ảnh 3.

Nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi nồng độ cồn trong máu mg/dl ở mức từ 20 - 50 mg/dl sẽ gây trạng thái kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều. Từ 50 - 100 mg/dl: Chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường. Từ 100 - 200 mg/dl: nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, buồn ngủ, phản ứng trước các tình huống chậm một cách đáng kể, nhức đầu hoặc choáng váng, suy giảm chức năng thị giác, trương lực cơ giảm mạnh. Từ 200 - 400 mg/dl: Hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), bài tiết ra quần, tụt huyết áp, hôn mê, đi đứng loạng choạng hoặc té ngã. Trên 400 mg/dl: truỵ tim mạch, tử vong.

Trung bình chất cồn trong bia, rượu sẽ ngấm vào máu sau khi uống xấp xỉ từ 30 phút đến 2 giờ. Mức cồn trong máu thông thường tăng đến mức cao nhất sau 3 giờ sử dụng bia, rượu. Cơ thể mất trung bình 1 giờ để thải lượng cồn từ một đơn vị cồn. Với một cơ thể bình thường cần khoảng 6 giờ sau khi uống 3 ly rượu vang hoặc 3 chai bia mới có thể lái xe một cách an toàn.

Với nồng độ cồn 0,751 mg/l khí thở, tài xế Mercedes tông chết 2 phụ nữ đã mất kiểm soát thế nào? - Ảnh 4.

Nhiều bạn bè đến viếng bà Đinh Hải Yến, nạn nhân tai nạn giao thông, mặc trang phục có in logo "Đã uống rượu, bia không lái xe"

Các chuyên gia lưu ý, với thể trạng người Việt Nam, nam giới không nên quá 20 g cồn/ngày, với nữ giới không nên quá 10 g cồn/ngày, tương đương với: nữ: 250 ml loại bia 5%, 30 ml loại rượu 39,9%; nam: 500 ml loại bia 5%, 60 ml loại rượu 39,9%. Khi uống nhiều rượu, bản thân dễ phát ngôn linh tinh, thậm chí trở nên hung hăng… Ngay cả những trường hợp dù chưa đến mức say thực sự nhưng rượu, bia dễ gây hưng phấn, chạy xe tốc độ cao mà vẫn thấy chậm, không làm chủ được hành vi, gây buồn ngủ. Khả năng quan sát biển báo, tín hiệu và trên đường không còn rõ ràng, khả năng phản xạ giảm từ 10% đến 30% khi gặp tình huống bất ngờ nên dễ gây nguy hiểm cho mọi người tham gia giao thông.

Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới, trong đó có hành vi điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Bởi với nồng độ cồn ở mức 0,05 mg/lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; ở mức 0,1 mg/lít khí thở, người điều khiển sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về. Với nồng độ 0,2 mg/lít khí thở, người điều khiển dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể bị lú lẫn khiến họ không thể tự chủ được hành vi cá nhân…

Trước đó, nồng độ cồn đo được trong khí thở của tài xế Đỗ Xuân Tuyên gây tai nạn liên hoàn tối ngày 22-4 trên đường Láng, Hà Nội (làm 1 nữ công nhân môi trường thiệt mạng tại chỗ) mức 1,041 mg/lít khí thở, cao gấp gần 3 lần mức phạt cao nhất (0,4 mg/lít) theo Nghị định 46 và nồng độ cồn của tài xế gây tai nạn ở hầm Kim Liêm là 0,751 mg/l khí thở.

 

Nồng độ cồn đo tại thời điểm ngay sau khi tài xế Lê Trung Hiếu gây tai nạn khiến 2 phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên (Hà Nội) vào rạng sáng ngày 1-5 là 0,751 mg/lít khí thở.

Hải Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe