Béo phì vẫn tăng đều đặn trong nhiều thập kỷ. Ảnh: mobiefit
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature là kết quả tổng hợp từ hơn 2.000 nghiên cứu khác. Trong đó, hơn 1.000 nhà khoa học thuộc tổ chức NCD-RisC đã phân tích dữ liệu chỉ số khối cơ thể (BMI) của khoảng 112 triệu người trưởng thành sinh sống ở thành thị lẫn khu vực nông thôn của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trong giai đoạn 1985-2017. BMI là công cụ hữu hiệu xác định tình trạng cơ thể của một người có bị béo phì, thừa cân hoặc quá gầy hay không. Chỉ số BMI từ 19-25 được coi là khỏe mạnh, 25-29 là thừa cân và trên 30 bị coi là béo phì.
Sau phân tích, các nhà khoa học cho biết thế giới đang ngày càng nặng hơn với trọng lượng trung bình mọi người tăng từ 5-6 kg trong giai đoạn nghiên cứu. Đáng nói là ở hầu hết các khu vực trên thế giới, tình trạng tăng cân khu vực nông thôn diễn ra với tốc độ tương đương thậm chí nhanh hơn so với đô thị. Cụ thể trong năm 1985, nam giới và phụ nữ sống ở thành thị của ¾ các quốc gia tham gia nghiên cứu có chỉ số BMI cao hơn so với người sống ở nông thôn. Nhưng sau 30 năm, khoảng cách BMI giữa cư dân hai khu vực nói trên ở nhiều nước đã thu hẹp đáng kể, thậm chí có xu hướng đảo ngược với tỷ lệ chỉ số BMI gia tăng ở vùng nông thôn chiếm tới 55%. Theo đó, chỉ số BMI ở phụ nữ và nam giới nông thôn trung bình tăng 2,1 trong khi mức tăng này ở thành phố lần lượt là 1,3 ở phụ nữ và 1,6 trên nam giới. Đáng chú ý là xu hướng trên càng rõ hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình, với 80% chỉ số BMI vào thuộc nhóm dân số nông thôn.
Phát hiện này đảo ngược giả thuyết trước nay của các chuyên gia sức khỏe, rằng quá trình đô thị hóa đi kèm lối sống ít vận động, dễ tiếp cận thực phẩm chế biến là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân không lành mạnh. Barry M. Popkin, chuyên gia thực phẩm tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), cho rằng phát hiện mới có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia trong chiến lược kiểm soát rủi ro sức khỏe trước dịch bệnh béo phì.
Theo các nhà khoa học, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống nhưng cũng thay đổi thể trạng người dân. Trong đó, lối sống ít vận động, tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh đã xâm nhập các vùng nông thôn với tốc độ và quy mô lớn hơn so với dự đoán. Vì vậy, thay vì chỉ tập trung vào các chương trình như xây dựng làn đường dành cho xe đạp để khuyến khích người dân tập thể dục hoặc đẩy mạnh việc tiếp cận thực phẩm lành mạnh cho thị dân, những giải pháp tương tự ở các vùng ven cũng hết sức cần thiết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, béo phì đã tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 1975. Năm 2016, ước tính có hơn 1,9 tỉ người trưởng thành trên thế giới bị thừa cân và hơn 650 triệu người trong số này bị béo phì. Trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch béo phì, Chile những năm gần đây đã ban hành một số quy tắc nghiêm ngặt đối với quảng cáo thực phẩm không lành mạnh. Tại Mexico, chính phủ nước này còn thông qua thuế đường nhằm giảm tiêu thụ các loại nước ngọt.