Tập thể dục hằng ngày vẫn thiếu... vận động

Thứ năm, 20 Tháng 6 2019 08:50 (GMT+7)
Việc dành cả giờ trong phòng tập có thể chưa đủ đánh bại các căn bệnh do hành vi tĩnh tại gây nên

Chị N.P.T (40 tuổi, giáo viên ở TP HCM) giật mình khi được bác sĩ (BS) chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới và được dặn dò phải năng vận động hơn, không được duy trì hành vi tĩnh tại quá lâu. "Mỗi ngày, tôi tập gym cả tiếng kia mà" - chị phản đối.

"Vận động" không chỉ là thể dục!

Ngồi đợi lấy thuốc ở Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, chị T. kể tiếp: "Không tin lời BS đó, tôi qua BV này khám lại. Ai dè cũng bị chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, phản đối tiếp thì BS giải thích thói quen đứng giảng bài tiết này sang tiết khác, hiếm khi chịu ngồi xuống mà tôi cứ ngỡ là tốt đã gây nên bệnh. Lúc bắt đầu đau, tôi lại càng tăng cường tập mấy động tác như chạy bộ, cơ đùi nên lại đau thêm…".

Tương tự, chị Tr.B.A (48 tuổi, nhân viên kế toán) chạy bộ 1,5 giờ/buổi, 5 buổi/tuần nhưng vẫn bị thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống cổ, khiến chị vô cùng bất ngờ. "BS còn bắt tôi ngưng chạy, chỉ được bơi hay đạp xe thôi. Ông ấy bảo cả buổi sáng - chiều tôi cứ ngồi một chỗ, đến chiều chạy thật nhiều thì có khi hại nhiều hơn lợi" - chị kể.

Theo BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho dù có tập thể dục mà trong giờ làm việc 8 giờ bạn vẫn có thói quen ngồi hàng giờ liền trước máy vi tính hay đứng hàng giờ liền thì vẫn có thể gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiếu vận động như suy giãn tĩnh mạch chi dưới, thoái hóa cột sống thắt lưng...

Tập thể dục hằng ngày vẫn thiếu... vận động - Ảnh 1.

Hãy tận dụng các hoạt động trong ngày để vận động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Không bù đắp nổi

BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, phân tích: Hãy tưởng tượng sụn khớp như một miếng bọt biển. Để nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng từ dịch khớp, nó cần đến những tác động từ sự vận động của bạn, gần giống cách bạn bóp rồi nhả miếng bọt biển cho nước thấm đẫm. Sụn khớp cần được nuôi dưỡng liên tục, nên nếu bạn có cố gắng tập luyện mỗi tối, vẫn không bù đắp nổi thiệt hại của những giờ tĩnh tại (ngồi, đứng) kéo dài.

Suy nghĩ cố tập để bù lại việc ngồi lâu, đứng lâu có khi lợi bất cập hại. Theo BS Ánh, hành vi tĩnh tại kéo dài, lặp lại ngày này sang ngày khác sẽ khiến toàn bộ cơ thể yếu đi, chứ không riêng gì hệ cơ xương khớp. Một người đã yếu đi mà còn cố tập thể thao quá sức thì nguy cơ chấn thương, xảy ra các tai biến tim mạch, kiệt sức... rất cao.

Một nghiên cứu công bố năm 2017 trên tạp chí khoa học Annals of Internal Medicine do nhóm tác giả từ Đại học Columbia (Mỹ) từng gây chấn động khi tuyên bố nếu bạn giữ thói quen ngồi lâu một chỗ, không chịu thỉnh thoảng đứng lên vận động, nguy cơ chết sớm do mọi nguyên nhân sẽ tăng vọt cho dù bạn có tập thể dục sau đó. Cụ thể, những người có thói quen ngồi 30 phút rồi lại đứng dậy làm gì đó có nguy cơ chết sớm thấp hơn đến 55% so với người ngồi quá 30 phút liên tục. Vì vậy, lời khuyên là cứ ngồi mỗi 30 phút, bạn nên đứng lên và vận động.

Nghiên cứu khác từ Đại học Texas (Mỹ) công bố năm 2019 cho thấy chỉ 4 ngày, các tình nguyện viên thực hiện chế độ tĩnh tại nhiều, đi dưới 4.000 bước mỗi ngày, khả năng chuyển hóa của họ đã giảm sút nghiêm trọng, khả năng cân bằng đường huyết, mỡ máu trở nên tồi tệ. Sau đó, họ có một ngày tập luyện tích cực để bù đắp nhưng tất cả lợi ích của thể dục dường như đã bị "xóa sổ" do hành vi tĩnh tại quá nhiều trước đó.

Theo BS Nguyễn Khắc Vui, nếu bạn ít thời gian, bạn nên tận dụng các hoạt động trong ngày. Ví dụ như khi ngồi trước máy tính, hãy thỉnh thoảng vận động chân tại chỗ; khi đi lại trong cơ quan, hãy dùng thang bộ thay cho thang máy; đi bộ thay cho xe máy khi cần di chuyển ở khoảng cách ngắn như đi mua một món hàng cách nơi bạn ở không xa lắm...

Ngoài ra, lựa chọn phương tiện công cộng để có điều kiện đi bộ nhiều hơn, đi xe đạp, tăng cường đứng lên, bước đến bàn đồng nghiệp để trao đổi trực tiếp thay vì trao đổi qua máy tính, điện thoại... cũng là những gợi ý phổ biến được các chuyên gia trong và ngoài nước khuyến cáo.

Thay đổi lối sống: nên có phương pháp

Theo BS Đỗ Trọng Ánh, nếu bạn đã là người thiếu vận động lâu ngày và muốn thay đổi lối sống, điều đầu tiên cần lưu ý là bạn đã mắc căn bệnh nào liên quan đến thiếu vận động chưa? Nếu có, hãy đi khám để được tư vấn. Ví dụ nếu bạn thoái hóa khớp gối, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thay việc chạy bộ bằng đạp xe, bơi lội... Tiếp theo, hãy bảo đảm vận động và tập thể dục phù hợp với sức khỏe. Đi thang bộ là tốt nhưng đi đến kiệt sức, đau cơ, mệt tim... là không nên. Những ngày đầu hãy bắt đầu nhẹ nhàng để cơ thể dần thích nghi, sau đó mới tăng dần cường độ và thời lượng các bài tập.

Anh Thư - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe