Trẻ nhiễm khuẩn HP, đừng lo quá mức!

Thứ năm, 18 Tháng 7 2019 11:04 (GMT+7)
Khoảng 80% dân số Việt Nam nhiễm khuẩn HP (Helicobacter Pylori), trong đó có trẻ em. Nếu trẻ không có các triệu chứng bệnh cụ thể thì cha mẹ không nên lo lắng và cũng không cần điều trị

Có mặt tại Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) vào sáng sớm, chúng tôi thấy rất đông phụ huynh khuôn mặt hiện rõ vẻ lo lắng khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm trẻ dương tính với vi khuẩn HP.

"Không bệnh viện nào đồng ý điều trị"

Ngồi bên hành lang BV Nhi Đồng 1, chị N.T.T.N (36 tuổi; ngụ quận 9, TP HCM) kể cách đây nửa tháng, chồng chị có biểu hiện đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn… Khi đi khám thì bác sĩ (BS) cho biết chồng chị bị nhiễm khuẩn HP, phải điều trị.

Lo lắng các con bị lây nhiễm HP từ bố, chị đưa con gái (5 tuổi) và con trai (3 tuổi) đi xét nghiệm ở phòng khám gần nhà, kết quả cả hai bé đều nhiễm khuẩn HP. Tại phòng khám, BS yêu cầu chị nên điều trị gấp cho con nếu không sẽ bị viêm, xuất huyết dạ dày, nặng hơn là ung thư dạ dày… Bán tín bán nghi, chị tiếp tục đưa bé đến BV Nhi Đồng 2 nhưng các BS ở đây lại xác định bé bình thường và không cần điều trị. Các BS còn khuyên chị an tâm ra về và không nên đi đến những phòng khám tư để bị vẽ vời khiến không bệnh cũng thành có bệnh.

Trẻ nhiễm khuẩn HP, đừng lo quá mức! - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh thăm khám cho trẻ bị nhiễm khuẩn HP

Tuy nhiên, chị N. vẫn không an tâm, lại đưa 2 con đến BV Nhi Đồng 1 và vẫn nhận được câu trả lời tương tự. "Các BS nói cho dù kết quả trẻ có dương tính với nhiễm khuẩn HP nhưng nếu không có triệu chứng thì không cần điều trị. Đây là điều làm tôi rất lo lắng. Tôi muốn vi khuẩn HP phải ra khỏi cơ thể các con tôi nhưng không BV nào đồng ý điều trị" - chị N. nói.

Cũng có mặt ở BV Nhi Đồng 2 từ rất sớm, vợ chồng anh N.V.H (cùng 43 tuổi; ngụ quận 5,

TP HCM), kể do hiếm muộn nên phải hơn 15 năm sau khi cưới, vợ anh mới sinh được bé gái, nay được 4 tuổi. Dạo gần đây bé biếng ăn, hay nôn.

"Lo lắng, chúng tôi tham khảo trên mạng, các diễn đàn, hội mẹ bỉm sữa… nhiều người khuyên nên đưa bé đi xét nghiệm, kết quả bé dương tính với nhiễm khuẩn HP. Hơn 1 tuần nay, vợ chồng tôi phải bỏ cả công việc chạy đôn chạy đáo đến các BV khám cho cháu nhưng các BS đều trả lời bé không cần điều trị... Dù vậy, tôi vẫn rất lo lắng" - anh H. bộc bạch.

ThS-BS Nguyễn Hồng Vân Khánh, Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2, cho biết thực tế có đến 80% dân số Việt Nam bị nhiễm khuẩn HP, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên, cần hiểu đúng, chính xác về nhiễm khuẩn HP để có cách xử lý và điều trị đúng. BS Khánh khẳng định không phải cứ xét nghiệm thấy kết quả dương tính trẻ nhiễm khuẩn HP buộc phải điều trị.

Bác sĩ đau đầu

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, cho biết thông tin trẻ nhiễm khuẩn HP hiện nay rất bát nháo, nhiều cha mẹ tự ý đi xét nghiệm HP cho con khi đọc được thông tin ở đâu đó trên mạng và thấy con có các triệu chứng như đau bụng, nôn… hoặc trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn HP.

"Họ bỏ thời gian, tiền bạc để chạy hết phòng khám này qua phòng khám khác, sau đó lại chạy lòng vòng từ BV này qua BV khác hòng để BS "bắt" cho được con vi khuẩn HP ra khỏi cơ thể trẻ. Đôi khi BS rất đau đầu vì có giải thích thế nào phụ huynh cũng vẫn còn cảm giác lo lắng, bất an vì nghĩ rằng con HP sẽ phá hỏng dạ dày trẻ; rồi viêm, xuất huyết và ung thư dạ dày…" - BS Khanh chia sẻ.

Theo BS Khanh, nhiễm khuẩn HP ở trẻ là có nhưng đến mức phải can thiệp, xét nghiệm hay điều trị không nhiều. Do vậy, phụ huynh cần hết sức tỉnh táo, chỉ đưa trẻ đi xét nghiệm khi có chỉ định của BS hoặc khi trẻ có các triệu chứng như nóng rát dai dẳng ở vùng ngực, đau bụng âm ỉ kéo dài, sụt cân, đầy hơi, buồn nôn và nôn…

Đặc biệt, nên đưa trẻ đến chuyên khoa tiêu hóa hoặc chuyên khoa nhi ở các BV nhi để kiểm tra. Không nên tự ý đến các phòng khám bên ngoài để làm xét nghiệm cho trẻ. Vì ngoài thị trường có rất nhiều hình thức xét nghiệm nhiễm khuẩn HP cho trẻ và những xét nghiệm này không có giá trị trong chẩn đoán điều trị.

"Trường hợp phụ huynh vẫn cố ra bên ngoài điều trị HP dù trẻ không có triệu chứng như trên thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, sau đó sẽ rất khó điều trị những bệnh khác cho trẻ" - BS Khanh cảnh báo.

BS Khanh cũng nhấn mạnh ngay cả người lớn, khi xét nghiệm dương tính với vi khuẩn HP thì không phải ai cũng có thể bị ung thư dạ dày. Có đến hàng trăm loại vi khuẩn HP khác nhau, trong đó chỉ có một số loại vi khuẩn mang gien CagA có độc lực cao thì mới có nguy cơ gây ung thư.

Báo động khuẩn HP kháng kháng sinh

Tình trạng khuẩn HP kháng kháng sinh không chỉ diễn ra ở người lớn mà đối với trẻ em cũng đang gia tăng ở mức báo động. Nghiên cứu của BV Nhi Đồng 2 đối với trẻ trong độ tuổi từ 2-15 cho thấy tỉ lệ kháng nguyên phát của HP đối với clarithromycin là 73%, metronidazol là 25%. Trong khi đó, các kháng sinh tetracyclin và levofloxacin có tỉ lệ kháng thấp hơn nhưng chống chỉ định cho trẻ bởi chúng gây ra những nguy hại trên hệ xương, sụn.

TRỊNH THIỆP  - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe