Ở Việt Nam hiện có trên 300.000 người bệnh đang sống chung với ung thư. Mỗi năm cả nước có thêm 165.000 ca mắc mới, tức mỗi ngày có 450 người phát hiện mình bị ung thư.
Phát hiện muộn còn nấn ná điều trị
Theo giới chuyên môn, nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc mới ở Việt Nam không nằm ở tốp cao nhưng tỉ lệ tử vong khá cao. Nguyên nhân chủ yếu do phát hiện bị ung thư muộn hoặc có trường hợp phát hiện sớm nhưng nấn ná điều trị.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho biết có hơn 70% bệnh nhân ung thư đến bệnh viện điều trị ở giai đoạn muộn nên điều trị rất khó khăn. Riêng ung thư gan, ung thư phổi, tỉ lệ điều trị ở giai đoạn muộn lên tới 80%-90%.
"Với ung thư vú, nếu cách đây 10 năm, tỉ lệ chữa khỏi là 40% thì nay đạt 75%, tương đương với thế giới. Điều này một phần do người dân đi khám nhiều hơn, việc tầm soát, sàng lọc ung thư vú được triển khai thường xuyên hơn nên tỉ lệ phát hiện sớm hơn so với trước kia rất nhiều" - GS Thuấn thông tin.
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết khi nghe nói mình mắc bệnh ung thư, hầu hết bệnh nhân suy sụp tinh thần, thậm chí không thiết ăn uống vì nghĩ mình sắp chết. Thế nhưng với nhiều loại ung thư, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỉ lệ kéo dài sự sống hoặc được chữa gần như khỏi bệnh là rất lớn như: Ung thư da tế bào đáy, ung thư cổ tử cung...
Điều quan trọng nhất để trị bệnh hiệu quả là bệnh nhân phải giữ tâm lý vững vàng, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, thay đổi lối sống theo hướng tích cực và duy trì chế độ ăn uống khoa học.
Tầm soát ung thư sẽ giúp phát hiện sớm bệnh
80% bệnh ung thư do lối sống
Giải thích nguyên nhân khiến số ca mắc ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, GS Trần Văn Thuấn cho biết có rất nhiều lý do kết hợp. Qua nhiều nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học đã phát hiện chỉ 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể, gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền... Những nguyên nhân này thường không thay đổi được.
"Chẳng hạn, một người sống trong gia đình có mẹ hay chị em gái mắc ung thư vú thì người đó có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 4-6 lần so với người bình thường" - GS Thuấn giải thích.
Ngoài ra, GS Thuấn cho biết có hơn 80% bệnh ung thư phát sinh do những yếu tố bên ngoài cơ thể như lối sống thiếu khoa học, duy trì các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, lười vận động, ăn thực phẩm bẩn... Trong đó, riêng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, vú, dạ dày, cổ tử cung...
Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng cho rằng những năm qua, nhờ công tác truyền thông rộng rãi, người dân thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ và từ đó phát hiện bệnh nhiều hơn.
Đừng chết vì suy kiệt!
Các chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu đều khẳng định mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết. Quan trọng là bệnh nhân không được bỏ dở lộ trình điều trị của bác sĩ để chạy theo những cách chữa bệnh chưa được kiểm chứng. Người bệnh có thể chữa khỏi ung thư hoặc kéo dài thời gian sống nếu được điều trị tích cực ngay từ khi phát hiện bệnh.
Đáng lưu ý, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong điều trị ung thư, vậy nên nhiều bác sĩ cho rằng người bệnh chọn cách nhịn ăn hoặc kiêng để "giết khối u" là sai lầm. Việc lơ là dinh dưỡng, nhịn ăn càng khiến cơ thể bị suy kiệt nhanh hơn.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 115.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u.
Một nghiên cứu của Trường ĐH Y Hà Nội về "Tình trạng dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đường tiêu hóa" tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho thấy người bệnh có tình trạng dinh dưỡng tốt thì điểm đau và các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rối loạn giấc ngủ... thấp hơn người bệnh suy dinh dưỡng.
9 dấu hiệu cảnh báo ung thư
1. Viêm loét lâu lành.
2. Ho dai dẳng, tức ngực.
3. Chậm tiêu, khó nuốt.
4. Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu.
5. Có khối u ở vú hay trên cơ thể.
6. Hạch bạch huyết to không bình thường.
7. Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo.
8. Ù tai, nhìn đôi.
9. Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân.
Không bao giờ từ bỏ!
Phát hiện mình bị ung thư vú ở tuổi 45, chị Đoàn Thị Giao Xuân - ngụ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - lo lắng đến mất ăn mất ngủ, suy sụp tinh thần. Tại Bệnh viện K trung ương, chị Xuân được chỉ định phẫu thuật bảo tồn vú trái, truyền hóa chất, xạ trị. Được bác sĩ giải thích, chồng con động viên và sự nỗ lực cùng ý chí của bản thân, đến nay, sau 4 năm phát bệnh, bệnh tình chị Xuân đã thuyên giảm.
"Tôi luôn tâm niệm rằng mình phải cố gắng. Nhờ tuân thủ đúng phác đồ điều trị, cộng thêm tinh thần lạc quan và sự hỗ trợ về mặt tinh thần những người thân nên bệnh tình của tôi khá hơn rất nhiều" - chị Xuân chia sẻ.
Sau khi ra viện, ý thức được căn bệnh của chính mình, chị Xuân đã tham gia một câu lạc bộ dành cho những người phụ nữ bị ung thư vú nhằm chia sẻ những kinh nghiệm điều trị, nghe các chuyên gia tư vấn để có thêm nghị lực chiến đấu với bệnh.