Khoa Ngoại 1 Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP HCM đã thành lập tổ tư vấn về các rối loạn sau khi phẫu thuật ung thư phụ khoa nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và giúp bệnh nhân hòa nhập, sống vui, khỏe.
Lục đục vì "chuyện ấy"
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kết hôn, chị V.T.H (27 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM) phát hiện bị ung thư, buộc phải phẫu thuật cắt tử cung. Chị càng suy sụp hơn bởi chồng sắp cưới bỏ rơi sau khi biết chuyện.
Còn chị N.T.T.M (48 tuổi; ngụ quận 2, TP HCM) phát hiện bị ung thư cổ tử cung cách đây 3 năm. Do phát hiện bệnh sớm, đáp ứng thuốc tốt, chị may mắn qua được giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe ổn định.
Sau cú sốc tâm lý biết mình mắc bệnh ung thư, chị luôn trong tình trạng lo lắng, sợ hãi. Dù các bác sĩ (BS) xác nhận sức khỏe chị đã phục hồi tốt nhưng lúc nào chị cũng nơm nớp lo sợ, không cho chồng gần gũi vì sợ bệnh tái phát. Gia đình vì thế thường xảy ra tranh cãi.
"Tôi vừa phát hiện anh ấy có nhân tình. Dù đau lắm nhưng biết làm sao được…" - chị M. trải lòng.
Khi cắt tử cung để tránh khối ung thư xâm lấn vào 2 năm trước, chị L.T.T.H (48 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) khủng hoảng tinh thần. Vào giai đoạn khó khăn ấy, chồng chị rất tâm lý, luôn túc trực và không rời vợ. Nhưng khi sức khỏe dần hồi phục, chị lờ mờ nhận ra chồng mình bắt đầu thay đổi.
"Anh ấy trở nên cáu gắt mỗi khi tôi không đồng ý làm "chuyện ấy". Không phải tôi hết yêu chồng mà tôi sợ đau, sợ đối diện với khiếm khuyết bệnh tật, nhất là lúc nào cũng lo sợ bệnh cũ tái phát…" - chị H. kể.
BS Nguyễn Văn Tiến - Trưởng Khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung Bướu TP HCM - thăm khám bệnh nhân ung thư phụ khoa
BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1 BV Ung Bướu TP HCM, cho biết: Những nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy từ 30%-63% bệnh nhân ung thư cổ tử cung có vấn đề về tình dục sau điều trị.
Nhiều người hay nhầm lẫn rằng phụ nữ mãn kinh thì hoạt động tình dục sẽ không còn nên đa phần chỉ quan tâm đến hiệu quả điều trị bệnh. Thế nhưng, 94% bệnh nhân có quan hệ tình dục ngay trước khi chẩn đoán bệnh cho dù bệnh nhân có còn kinh nguyệt hay không. Tỉ lệ này giảm còn 42% sau khi điều trị.
BS Tiến chia sẻ nhiều gia đình rơi vào cảnh tan vỡ khi phẫu thuật ung thư phụ khoa như: chồng ly dị, xa lánh, ngoại tình; vị hôn phu từ chối đám cưới; người yêu ngoảnh mặt làm ngơ... Không ít phụ nữ vì đau khổ đi đến tuyệt vọng, không màng đến điều trị, thậm chí quyên sinh...
"Đối tác" quan trọng
BS Phạm Thành Luân, Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị ung bướu - BV Quân y 175, cho rằng dù phẫu thuật cắt bỏ tử cung hay xạ trị thì sau điều trị, bệnh nhân ung thư cổ tử cung vẫn có thể duy trì "chuyện ấy", chỉ không thể sinh con nếu đã cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, tác dụng phụ của hóa chất, phương pháp điều trị khiến phụ nữ gặp phải các vấn đề do rối loạn chức năng tình dục. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và mối quan hệ lứa đôi.
Khi điều trị ung thư phụ khoa, yếu tố quyết định sống còn của bệnh nhân chính là người chồng, bạn tình. Sự quan tâm, yêu thương trong quan hệ vợ chồng sẽ trở thành liệu pháp tốt nhất giúp bệnh nhân vượt qua nguy hiểm khi đối mặt với điều trị ung thư dai dẳng, mệt mỏi.
Ngoài ra, theo BS Tiến, bệnh nhân đừng ngại trao đổi với nhân viên y tế về tình dục cũng như "đối tác" những gì bản thân biết và cảm nhận, bày tỏ mong muốn với họ, hướng dẫn phương cách, tư thế giúp bản thân cảm thấy thoải mái nhất và giảm đau đớn. Tình dục sau điều trị ung thư phụ khoa vẫn có thể cải thiện nếu người trong cuộc và "đối tác" kiên trì.
Người bệnh đừng từ chối chính mình khi vẻ bề ngoài có sự thay đổi. Đây là cơ hội giúp bản thân học cách cho và nhận, không chỉ là quan hệ chăn gối mà còn rất nhiều tình cảm gắn bó, sẻ chia, sự chân thành của bạn tình, bạn đời, của con cái hay người thân trong gia đình…