Stress vì... thể dục

Thứ ba, 06 Tháng 8 2019 09:07 (GMT+7)
Thể dục, thể thao thường giúp con người nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nhưng cũng có thể gây tác dụng ngược trong một số tình huống

Anh Trần Bình P. (40 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) bị stress nặng nửa năm nay vì công việc có nhiều thay đổi, dẫn đến sức khỏe xuống dốc. Nghe lời bạn, mỗi tối sau giờ làm, anh P. bỏ ra một giờ tập kick-boxing, mong giảm bụng bia và xả stress. Thế nhưng, mọi chuyện không được như ý. "Sau giờ tập, tôi dường như còn hay lo nghĩ hơn, dễ cáu giận, đã thế 1 tháng nay lại mất ngủ, không hiểu do stress hay do tập?".

Càng tập càng... nản

Chị Mỹ L. (38 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM) thì tâm sự: "Tôi bị trầm cảm nhẹ, hiện đang điều trị tâm lý. Tôi nghe nói tập luyện giúp tinh thần thư thái, thêm tự tin nên cố gắng, ngày nào cũng tập gần 2 giờ, nghỉ mỗi thứ hai vì công việc nhiều. Nhưng hình như tôi vốn không thích thể thao, thể trạng yếu nên đã không vui hơn còn hay bị đau mỏi lung tung, tâm trạng có phần chán nản hơn lúc chưa tập".

Trong khi đó, chị Hoàng Thị G. (30 tuổi; quận Phú Nhuận, TP HCM) thì cho rằng mình "không hạp" nên thể dục chỉ làm mất ngủ. Mỗi tối, sau khi ăn xong 2 tiếng, đủ "xuống cơm", thay vì ngồi xem tivi thì chị chạy bộ 1 giờ ven bờ kênh gần nhà. "Lúc chạy thì dễ chịu lắm, không khí buổi tối dịu mát, bên cạnh là bờ nước, cây cỏ nhiều, rất thoải mái. Nhưng kể từ đó, thường tôi nằm trằn trọc đến 1 giờ sáng mới ngủ được. Người ta kêu tập luyện ăn ngon, ngủ ngon. Chắc số tôi "xui" nên đâm mất ngủ" - chị G. than.

Tốt, xấu tại người

Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám Đại học Y Dược 1, cho biết thể dục, thể thao nếu tập đúng sẽ là "liều thuốc" tốt cho sức khỏe tâm thần, từ người không bệnh cho đến người có vấn đề về tâm lý - tâm thần.

"Luyện tập giúp người đang bị stress, trầm cảm, rối loạn lo âu... bớt đi những quãng thời gian trống, vốn có thể nảy sinh các suy nghĩ tiêu cực. Việc tập luyện còn kích thích hệ thống tuần hoàn hoạt động hiệu quả hơn, giúp ôxy bơm lên máu đầy đủ, các hoạt động thần kinh diễn ra thuận lợi hơn" - BS Khuyên giải thích.

Một số hóa chất thần kinh trung gian như dopamine, serotonin, endorphin... đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cảm giác hạnh phúc, sự lạc quan... cũng cần đến hoạt động thể dục, thể thao để có thể sản sinh tốt nhất. Thiếu hụt các hóa chất thần kinh này cũng liên quan đến một số vấn đề về tâm thần, tâm lý. Ví dụ thiếu serotonin sẽ dẫn đến chứng rối loạn lo âu.

Tuy nhiên, cũng có những người vì thể dục, thể thao mà nảy sinh những vấn đề về sức khỏe tâm thần. "Ví dụ có người than mất ngủ, tôi hỏi chuyện thì hóa ra họ lại tập thể dục quá khuya nên đến giờ ngủ, cơ thể vẫn trong trạng thái hưng phấn, tỉnh táo, dẫn đến mất ngủ. Mất ngủ lại khiến cơ thể không thể hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần nên bệnh nhân bị stress thêm, tác dụng giảm lo âu của việc tập luyện bị mất đi" - BS Khuyên kể.

Stress vì... thể dục - Ảnh 1.

Nên bảo đảm việc tập luyện giúp bạn vui vẻ hơn, tinh thần thư giãn chứ đừng để tập đến... stressẢnh: HOÀNG TRIỀU

Không đến phòng tập để... trút giận

BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, cảnh báo tập không đúng cách có thể khiến bệnh nhân kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Nguy hiểm nhất là nhiều người tập quá mức dẫn đến đau nhức mình mẩy nhưng chỉ dùng biện pháp giảm đau tạm thời, hôm sau vẫn cố gắng tập tiếp. Nếu duy trì tình trạng này thì về lâu dài, các tổn thương nhỏ gây đau nhẹ sẽ bị cộng dồn, hóa thành tổn thương lớn hơn trên hệ cơ, xương khớp, khiến người đó lúc nào cũng thấy đau đớn, mệt mỏi.

Một khi thể chất suy kiệt, các cơn đau thực thể thường trực thì tâm trạng bệnh nhân khó thoải mái, ảnh hưởng xấu đến các bệnh lý mãn tính nếu có...

Một nghiên cứu phối hợp giữa 2 trường đại học danh tiếng Yale (Mỹ) và Oxford (Anh) đã cảnh báo tình trạng nhiều người có biểu hiện sức khỏe tâm thần kém, thậm chí có những ngày tinh thần xuống đến mức tồi tệ hoặc trầm cảm chỉ vì... siêng tập thể dục.

Bài công bố trên The Lancet Psychiatry cho biết tình trạng tinh thần tồi tệ này sẽ xảy ra với người tập thể dục hơn 23 buổi mỗi tháng hoặc mỗi buổi tập kéo dài quá 90 phút. Thậm chí tinh thần của họ còn tệ hơn những người không hề tập thể dục.

Trước đó, một nghiên cứu dựa trên 12.500 tình nguyện viên công bố trên tạp chí khoa học Circulation năm 2016 cảnh báo không nên dùng phòng tập làm nơi trút giận. Giảm căng thẳng bằng tập luyện có thể đúng nhưng nếu đang giận đùng đùng mà còn tập những bài tập cường độ cao, có thể dẫn đến tình trạng các mạch máu bị thu hẹp, ngăn chặn sự lưu thông máu về tim, khiến tim không đủ ôxy để hoạt động và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. 

Tập vừa đủ, đúng thời điểm

Theo BS Trần Minh Khuyên, nếu bạn không có thời gian tập thể dục buổi sáng cũng có thể tập vào lúc chiều tối nhưng không quá trễ. "Nếu muốn tập buổi chiều tối, trời mát, bạn có thể bắt đầu tập sau 16 giờ. Buổi tập nên kết thúc muộn nhất là 18-19 giờ vì nếu trễ hơn có thể khiến bạn mất ngủ" - BS Khuyên khuyến cáo.

Còn theo nghiên cứu của Đại học Yale và Đại học Oxford, để việc tập luyện có tác dụng tốt nhất cho sức khỏe tâm thần, bạn nên tập khoảng 3-5 buổi mỗi tuần và mỗi buổi khoảng 45 phút.

Anh Thư - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe