Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức thông tin về ca mổ mà theo bệnh nhân là "không hề biết bị cắt thận"
Bà Lê Thị Nga (SN 1964, ngụ huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) vừa gửi đơn tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ vụ việc bà bị cắt thận trái mà gia đình không hề được thông báo trong ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) năm 2015.
Theo bà Nga, cuối tháng 7-2019, bà đi tiểu buốt, tiểu ra máu, nghi bị sỏi thận nên ra Bệnh viện Việt Đức thăm khám. Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được chỉ định siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp. Tuy nhiên, theo kết quả, ngoài việc đài bể thận giãn không đều, có sỏi… thì không thấy thận trái. Sau khi nhận kết quả, gia đình tá hỏa bởi không biết tại sao mình bị mất thận trái.
Theo bà Nga, cách đây 4 năm, vào tháng 12-2015, bà được mổ để lấy sỏi tại Bệnh viện Việt Đức. Gia đình đồng ý và ký cam kết phẫu thuật lấy sỏi. "Sau phẫu thuật, tôi xuất viện về quê. Từ thời điểm đó đến nay, tôi vẫn không biết mình bị mất thận trái"- bà Nga nêu trong đơn.
Với những vấn đề trên, bà Nga đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc bệnh viện tự ý cắt thận, cung cấp hồ sơ bệnh án cho gia đình (sao chụp hoặc tóm tắt bệnh án). Đồng thời, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có).
GS Trịnh Hồng Sơn khẳng định "không có chuyện bây giờ bệnh nhân mới biết mình bị cắt thận"
Thông tin với báo chí, GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết sau khi xem lại hồ sơ lưu của bệnh nhân Nga thì quả thận trái của bệnh nhân đúng là đã được các bác sĩ cắt bỏ trong lần phẫu thuật lấy sỏi 4 năm trước.
Ông Sơn cũng khẳng định việc cắt bỏ quả thận của bệnh nhân là việc bắt buộc phải làm vì trong quá trình mổ phát hiện thận đã mất chức năng, không thể cứu được, có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân. Bệnh nhân này rơi vào trường hợp phải cắt thận. "Bác sĩ đã có giải thích với gia đình bệnh nhân và chúng tôi khẳng định bệnh nhân cũng biết rất rõ về việc mình bị cắt bỏ thận trái ngay từ ca mổ, chứ không có chuyện bây giờ mới biết"- GS Sơn khẳng định.
Đại diện Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết anh trai của bệnh nhân thay mặt gia đình đã ký cam kết. Trong đó, biến chứng chính là phải cắt thận hay biến chứng nặng nhất là tử vong. Bên cạnh đó, trong giấy ra viện của bệnh nhân cách đây 4 năm đã ghi rõ việc phải cắt bỏ thận. Giấy hẹn khám lại; Đơn thuốc đều ghi rõ điều này và những giấy tờ này đều giao bệnh nhân giữ. "Giấy ra viện bệnh nhân được cầm về, nhưng tại buổi làm việc với gia đình bệnh nhân mới đây, khi chúng tôi hỏi thì gia đình bệnh nhân lại nói đã làm mất giấy ra viện" - đại diện Bệnh viện Việt Đức nói.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, hiện hồ sơ của người bệnh vẫn còn lưu bản mạch theo dõi ở đầu giường bệnh nhân trong quá trình chăm sóc tại viện sau ca mổ. Bản mạch này có thể hiện rất rõ việc cắt thận, hồ sơ này bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều được xem công khai.